Gói 30.000 tỷ đồng, gói tín dụng của Chính phủ với lãi suất cho vay ưu
đãi nhằm hỗ trợ người dân cải thiện chỗ ở, giải ngân chậm đang thu hút
hút sự quan tâm của dư luận.
Gói 30.000 tỷ đồng, gói tín dụng của Chính phủ với lãi suất cho vay ưu đãi nhằm hỗ trợ người dân cải thiện chỗ ở, giải ngân chậm đang thu hút hút sự quan tâm của dư luận.
Mặc dù tiến độ giải ngân đang quá chậm nhưng cũng phải thừa nhận sự nỗ lực của các ngành liên quan trong việc gỡ nút thắt này.
Phải đúng đối tượng
Trên thực tế, không ít người lầm tưởng gói 30.000 tỷ đồng là để hỗ trợ thị trường bất động sản. Đây là một cách hiểu hoàn toàn sai lệch.
Nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi này chỉ dành cho phân khúc nhà ở xã hội và nhà thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Trong đó, chỉ các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng loại hình nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp mới được vay, còn nhà thương mại đều không nằm trong đối tượng.
Tuy nhiên, dòng vốn này cũng chỉ dành cho nhóm doanh nghiệp vay 30%, số còn lại đều hướng tới người mua nhà.
Phân khúc đang dư thừa trên thị trường chủ yếu là nhà thương mại có diện tích lớn với lượng hàng tồn kho cao, trong khi vẫn thiếu nhà ở xã hội, nhà có giá bình dân.
Bởi vậy, nhìn vào đối tượng được hưởng hỗ trợ thì không thể nói gói 30.000 tỷ này là để cứu thị trường bất động sản trong đó có những chủ đầu tư lớn.
Có chăng thì với tác động thanh khoản tích cực của phân khúc nhà ở xã hội sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa toàn thị trường.
Gói tín dụng này chỉ cho vay đối với phân khúc nhà ở xã hội và người mua nhà ở thương mại giá rẻ.
Bộ Xây dựng rất nhiều lần chỉ ra nguồn cung nhà ở bình dân đang thiếu và khuyến cáo doanh nghiệp nào thấy phù hợp thì có thể chuyển mục đích dự án sang nhà ở xã hội để hưởng gói vay này cũng như những chính sách ưu đãi khác, đồng thời góp phần bổ sung quỹ nhà đang thiếu.
Thậm chí, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn giải pháp chia lại căn hộ để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm. Dù doanh nghiệp nhóm này không được vay tiền trong gói tín dụng ưu đãi nhưng nếu giá bán căn hộ dưới 70m2 và dưới 15 triệu đồng/m2 thì các khách hàng của họ sẽ được vay tiền để mua. Lúc đó tính thanh khoản được cải thiện rõ ràng.
Khi bất động sản có nhiều sản phẩm nhà ở với diện tích nhỏ, mang tính xã hội, giá rẻ, đồng thời được hỗ trợ của Nhà nước, chắc chắn sẽ giúp bình ổn giá nhà ở nói chung trên thị trường, đưa giá nhà ở về giá trị thực. Người cần nhà tìm được đúng loại hàng hàng hóa mình cần. Đó là tác dụng tương hỗ của gói 30.000 tỷ đồng lên thị trường chứ không phải nhằm giải cứu thị trường bất động sản như nhiều người lầm tưởng.
Khi Chính phủ đã dành một khoản vốn ưu đãi giúp người dân cải thiện chỗ ở thì hơn ai hết, những cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện đang phải gánh một trọng trách để nguồn vốn đi đúng mục tiêu, đúng đối tượng nên thủ tục giải ngân khá chặt chẽ.
Trong quá trình thẩm định, xét duyệt, nếu không làm chặt chẽ, sai đối tượng sẽ dẫn đến lợi dụng, tham nhũng, làm thất thoát và dư luận không đồng tình. Tuy nhiên, việc giải ngân chậm cũng cần được xem xét để khởi thông dòng chảy.
Gỡ nút thắt
Mới đây, trong một phiên thẩm tra về Luật Nhà ở, có đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và đề nghị “mổ xẻ” tiến độ giải ngân của gói 30.000 tỷ đồng bởi kết quả giải ngân mới chỉ đạt 9% đang khiến nhiều người sốt ruột.
Tuy nhiên, việc giải ngân gói tín dụng này không hoàn toàn phụ thuộc mình Bộ Xây dựng. Trên thực tế, Bộ Xây dựng không được giữ nguồn tiền này mà chỉ là nơi thẩm định các dự án đủ điều kiện để giới thiệu sang ngân hàng.
Ngay chính các ngân hàng - đơn vị “tay hòm chìa khóa” cũng chẳng thể móc túi trao tiền ngay được. Các ngân hàng cũng phải rà soát sao cho đủ thủ tục pháp lý rồi mới tiến hành giải ngân. Họ cũng phải chọn cách luôn nắm “đằng chuôi” nhất là khi gánh trọng trách quản lý nguồn tiền Chính phủ giao, bởi vậy cứ đúng-đủ thủ tục mới giải quyết được.
Còn khách hàng đi vay cũng mỗi người một vẻ. Với doanh nghiệp, dù biết chắc mình nằm diện được vay vốn ưu đãi nhưng cũng phải trải qua “cửa ải” thủ tục, nhất là với những đơn vị chuyển mục đích dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp.
Cả người dân cũng vậy, họ phải đáp ứng hàng loạt giấy xác nhận các loại mới với tay được đến căn hộ mơ ước và chặng đường này cũng rất khó khăn.
Chia sẻ về vấn đề này, một số ngân hàng cho biết nhiều khách hàng chưa thể hoàn thiện hồ sơ vì vướng mắc phần xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện ở và mức thu nhập. Vậy là nút thắt đầu tiên đã bộc lộ, đó chính là những thủ tục hành chính.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần rà soát để loại bỏ bớt những thủ tục không cần thiết, gây cản trở và hạn chế người dân đến với cơ hội tiếp cận gói vốn ưu đãi này. Muốn vậy, sự nỗ lực của các ngành thôi chưa đủ mà còn cần sự nhập cuộc của chính quyền các địa phương.
Hiện hầu hết các dự án đều thuộc thẩm quyền của các địa phương quyết định, từ bố trí nguồn đất sạch cho dự án nhà ở xã hội đến phê duyệt các phương án chuyển đổi mục đích, quy mô dự án... Cùng đó, các tiêu trí, điều kiện xác nhận người dân trong diện được mua nhà ở xã hội cũng đều do chính quyền các quận, huyện thực hiện.
Ở góc độ ngành quản lý, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận hiện quỹ nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp và ngay cả nhà ở thương mại diện tích nhỏ có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 cũng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Hiện cả nước cần hơn một triệu căn hộ nhà ở xã hội nhưng hiện nay các dự án đã khởi công cũng không đủ nhanh để đáp ứng cầu, đây cũng là nút thắt cần gỡ.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết muốn giải ngân nhanh gói tín dụng ưu đãi này cần phải có nhiều nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại có giá dưới 15 triệu đồng/m2 với quy mô diện tích dưới 70m2.
Hiện nhu cầu của người dân về phân khúc nhà ở này còn rất lớn. Riêng nhu cầu của thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng 130.000 căn và Hà Nội cũng lên tới 115.000 căn. Đó là chưa kể đến nhu cầu của những tỉnh lớn như Đồng Nai, Bình Dương, hoặc các đô thị nằm trong vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ.
Trong khi đó, việc phát triển nhà ở xã hội là một quá trình dài hạn chứ không thể hoàn thành ngay trong ngắn hạn. Tuy nhiên, những khó khăn này đang được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Các doanh nghiệp cũng cần nghiêm túc nghiên cứu đòi hỏi của thị trường, bán cái người mua cần chứ không phải bán cái mình có.
Chủ động tìm kiếm cơ hội, giải quyết khó khăn mới là việc các doanh nghiệp bất động sản cần làm trong giai đoạn này, thay vì trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Hiện Liên Bộ gồm Xây dựng, Tư Pháp, Tài nguyên & Môi trường và Ngân hàng Nhà nước đang thảo luận để sớm ban hành Thông tư cho phép thế chấp nhà xã hội hình thành trong tương lai, góp phần đẩy nhanh việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Khách hàng sẽ thuận lợi hơn khi được dùng chính căn hộ đó để thế chấp vay mua nhà.
Theo vietnamplus.vn