Khi dự thảo Luật Kinh doanh BĐS đề xuất bỏ quy định “phải thông qua sàn giao dịch” thì nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc....
“Giao dịch ngầm”, “tăng giá ảo” là những phát sinh được nhắc đến xung quanh định chế sàn giao dịch bất động sản (BĐS), tuy nhiên khi dự thảo Luật Kinh doanh BĐS đề xuất bỏ quy định “phải thông qua sàn giao dịch” thì nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc.
Bắt buộc là “hơi cứng”
Phát biểu trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 10.3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, quy định bắt buộc doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS khi mua bán, cho thuê BĐS phải thông qua sàn giao dịch (SGD) đã làm tăng thêm tổ chức kinh doanh dịch vụ trung gian, tăng thêm thủ tục, thêm chi phí và góp phần đẩy giá, tạo giao dịch ảo, không đạt được mục đích tạo nơi giao dịch để đảm bảo tính công khai, minh bạch cho thị trường.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, vấn đề này là cơ sở thực tiễn để dự thảo Luật Kinh doanh BĐS bỏ quy định bắt buộc này nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập, cũng như các tác động tiêu cực của tổ chức trung gian đối với thị trường BĐS; giảm thủ tục, tránh việc tăng giá ảo, tăng chi phí và gây thiệt hại cho người mua, đồng thời bảo đảm quyền tự chủ trong kinh doanh của các DN.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội - Phan Trung Lý lại cho rằng “cần xem xét lập luận này”, bởi theo ông, mọi vấn đề đều xuất phát từ giao dịch ngầm. "Dân không biết nhà đã mua bán chưa, giá cả thế nào nên mới cần phải qua sàn" - ông Lý nói. Ông Lý cũng không ngại ngần nói thẳng về dự thảo luật: "Theo tôi, quy định thế này là một bước đi thụt lùi so với hướng minh bạch hóa"!
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lại lưu ý các ĐB cẩn trọng nghiên cứu việc bỏ quy định giao dịch phải qua sàn giao dịch BĐS, bởi theo ông: “Nếu các sàn BĐS hiện nay có những bất cập trong hoạt động thì Bộ Xây dựng nên tổng kết để đánh giá, sửa sai, nếu chưa có đánh giá mà vội bỏ đi thì không có cơ sở khoa học”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không nên bỏ quy định bắt buộc giao dịch phải đăng ký tại sàn giao dịch BĐS, bởi theo ông: “Nên quy định việc kinh doanh sàn giao dịch BĐS là một loại; kinh doanh các giao dịch về BĐS diễn ra trên sàn là một loại khác... chứ không phải sàn giao dịch BĐS sẽ làm tất cả các chức năng này, kể cả việc môi giới BĐS”...
Kinh doanh BĐS có cần bằng đại học?
Một trong những sửa đổi tại dự thảo luật lần này là các quy định về điều kiện của cá nhân được cấp chứng chỉ môi giới BĐS nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ BĐS, bảo đảm quyền lợi của các chủ thể tham gia thị trường BĐS.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, luật hiện hành quy định quá dễ dàng về điều kiện của người kinh doanh môi giới BĐS nên dẫn đến tình trạng hiện nay đội ngũ làm môi giới hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh, dẫn đến làm ăn “chụp giật”, tư vấn cho xong để kiếm tiền, thậm chí còn góp phần làm lũng đoạn thị trường, gây ra những “cơn sốt ảo” để kiếm lợi v.v...
Chính vì vậy, dự thảo luật đặt ra các điều kiện đối với cá nhân được cấp chứng chỉ môi giới BĐS, đặc biệt phải có trình độ từ đại học trở lên. Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói: “Không nhất thiết quy định phải có trình độ đại học. Liệu có cần thiết không khi rất nhiều nhà môi giới nổi tiếng thế giới chẳng cần bằng cấp gì vẫn giỏi?".
Theo Laodong