Trải qua hơn 40 năm đổi mới, phát triển, đô thị Hà Nội đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc quy hoạch, phát triển đô thị quá nhanh, thiếu tầm nhìn đã và đang khiến Hà Nội phải “trả giá” đắt do hạ tầng xã hội và quy mô dân số tăng đột biến.
Tuyến đường đường Lê Văn Lương đang quá tải bởi quá nhiều
tòa nhà mọc lên liên tiếp (Ảnh: TL)
Điều chỉnh quy hoạch vô tội vạ
Hà Nội hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề rất nan giải, là hệ lụy của quá sự phát triển như ngập lụt, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông …
Việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần một cách tràn lan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phá vỡ hoàn toàn đồ án quy hoạch lập, phê duyệt lần đầu.
Các kết luận Thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng về công tác quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch tại một số quận, huyện nội thành đa số đều cho thấy, nhiều khu đô thị đã được phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Các dự án được chấp thuận tổng mặt bằng với sự đồng bộ về hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội, quy mô dân số, tuy nhiên sau đó lại được điều chỉnh nhiều lần về số tầng cao, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ văn phòng sang nhà ở, từ cây xanh sang công trình hỗn hợp. Cách làm này khiến quy mô dân số tăng lên nhiều lần so với dân số đã tính toán để phê duyệt quy hoạch ban đầu, dẫn đến tình trạng một khu đô thị vừa đưa vào sử dụng đã gây quá tải về nguồn điện, nước, hệ thống thông tin liên lạc, nhất là diện tích đất xây dựng nhà trẻ, cây xanh, các công trình phúc lợi công cộng.
KĐT kiểu mẫu Linh Đàm là một minh chứng cụ thể. KĐT này là nơi từng được coi là “thiên đường” đáng sống nhất Thủ đô. Sau gần 20 năm, mô hình phát triển quy hoạch này đã để lại cho xã hội những bài học đắt giá về công tác quy hoạch, phát triển đô thị.
Được đầu tư xây dựng từ năm 2007, sau khi được công nhận là KĐT kiểu mẫu vào năm 2009, KĐT này trở thành “thảm họa” bởi hạ tầng xã hội và dân số đã tăng gấp nhiều lần so với quy hoạch. Khu đất được dự kiến xây dựng văn phòng của gần 20 năm về trước hiện đã được chuyển đổi thành đất ở với hàng loạt các toà chung cư như VP3,VP5, VP6… Một loạt các khối nhà gá rẻ cao 30, 40 tầng như HH1, HH2, HH3…, cũng khiến KĐT này trở nên ngồn ngột.
Tại tuyến đường giao thông huyết mạch Lê Văn Lương, hàng loạt các tòa chung cư cao từ 25 đến 33 tầng san sát mọc lên đã trở thành những bức tường bê tông, tạo điểm “chết” cho tuyến đường vành đai 3. Khoảng 3 đến 5 năm nữa, khu vực này sẽ có thêm hàng chục tòa nhà và hàng trăm nghìn hộ dân về đây sinh sống.
Quản lý quy hoạch gặp nhiều vấn đề
Như vậy, Hà Nối sẽ đứng trước nhiều thách thức trong 5, 10 năm tới.
Về vấn đề này, KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá, bất cập hiện nay không nằm ở công tác quy hoạch mà ở khâu quản lý quy hoạch. Nhiều quy hoạch chỉ dựa vào lợi ích của nhà đầu tư, nhanh chóng được điều chỉnh, bất chấp khoảng cách nhà, mật độ xây dựng, các công trình công cộng... Tuyến đường Lê Văn Lương là một minh chứng. Cứ 3km lại có thêm 30, 40 tòa chung cư cao tầng mọc lên khiến khu vực này trở thành điểm ùn ứ, tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng.
TS. Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, Hà Nội hiện có nhiều quy hoạch, nhưng quy hoạch chồng chéo “hỗn loạn”, cản trở lẫn nhau, người thực hiện quy hoạch không còn nhớ là mình đã thực hiện bao nhiêu quy hoạch nữa. Do đó, đã đến lúc phải lập lại trật tự, xác định những gì không cần thiết thì bỏ, những vấn đề cần thiết, đã đưa ra thì phải thực hiện bằng được. Nhiều quy hoạch được đưa ra nhưng không có ai chịu trách nhiệm, nên cần phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trước những bất cập này.