Ngày 7/3 vừa qua, Bộ Xây dựng đã có báo cáo về công tác sử dụng, quản lý và vận hành nhà chung cư. Dẫn số liệu thống kê của Sở Xây dựng TP. Hà Nội, Bộ cho biết có ít nhất 287 chung cư trên địa bàn Thủ đô bị chủ đầu tư "om" quỹ bảo trì.
Cụ thể, theo số liệu của Sở Xây dựng TP. Hà Nội thời điểm tháng 2/2019, có 745 chung cư thương mại được đưa vào sử dụng trên toàn TP. Thế nhưng, trong đó mới có 492 chung cư tổ chức hội nghị chung cư để bầu ban quản trị. Trong 492 chung cư này, có 392 chung cư đã bàn giao hồ sơ, 338 chung cư bàn giao diện tích sở hữu chung và 238 chung cư đã bàn giao kinh phí bảo trì.
Toàn TP. Hà Nội có 174 chung cư tái định cư được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trong đó chỉ mới tổ chức hội nghị nhà chung cư bầu ban quản trị được 82 chung cư, 49 chung cư bàn giao kinh phí bảo trì và 47 chung cư bàn giao hồ sơ nhà chung cư.
Tại TP. Hà Nội, xét riêng về vấn đề quỹ bảo trì, hiện có ít nhất 287 chung cư chưa được chủ dự án bàn giao quỹ bảo trì.
|
Có ít nhất 287 chung cư tại Hà Nội chưa được chủ dự án bàn giao quỹ bảo trì. |
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, toàn Tp.HCM có 1.367 chung cư gồm 141.062 căn hộ. Các chung cư này có tổng diện tích sàn xây dựng là 10,6 triệu m2. Đáng chú ý, có 105 chung cư trong đó đang trong tình trạng tranh chấp ở nhiều mức độ khác nhau.
Báo cáo của các địa phương gửi về Bộ Xây dựng cho biết, tính tới thời điểm hết quý II/2018, toàn quốc có 108 dự án xảy ra khiếu nại, tranh chấp giữa chủ dự án với cư dân, chủ yếu liên quan tới công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.
Nội dung tranh chấp rất đa dạng gồm: chủ dự án không minh bạch việc sử dụng quỹ bảo trì là 1/108 dự án; chủ đầu tư chiếm dụng phí bảo trì (4/108 dự án); chủ đầu tư không nộp phí bảo trì đối với phần sở hữu riêng (3/108 dự án); chủ đầu tư không bàn giao, bàn giao chậm hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì (39/108 dự án); tranh chấp về cách tính diện tích căn hộ (7/108 dự án); tranh chấp phần diện tích sở hữu riêng/chung (40/108 dự án)...
Một nội dung tranh chấp phổ biến khác tại các chung cư hiện nay là kinh phí vận hành, quản lý. Cụ thể, tranh chấp do chủ đầu tư không đóng phí quản lý vận hành đối với diện tích sở hữu riêng hoặc chưa bán được (2/108 dự án); sử dụng kinh phí quản lý vận hành sai mục đích (1/108 dự án); áp dụng mức phí quản lý vận hành sai quy định (5/108 dự án); không công khai tài chính (4/108 dự án).
Cùng với đó còn có 13/108 dự án có tranh chấp về chất lượng công trình và 14/108 dự án tranh chấp về việc tổ chức hội nghị nhà chung cư.
Hiện tại, Bộ Xây dựng vẫn tiếp tục thống kê số liệu dự án có khiếu nại, tranh chấp tại các địa phương, từ đó kịp thời có phương án chỉ đạo, điều hành xử lý.