Nhằm tạo lập quỹ nhà ở tái định cư, UBND TP. Hà Nội đã đề xuất lên Thủ tướng chính phủ cơ chế đặt hàng xây dựng khoảng 22.300 căn hộ thương mại.
Theo đó, thay vì thông qua đấu thầu, đấu giá, UBND TP. Hà Nội đề xuất áp dụng hình thức thu hồi đất, giao đất để thực hiện dự án. Cơ chế này sẽ theo quy định của Luật Đất đai. Bên cạnh đó, UBND TP cũng đề xuất cơ chế tự lựa chọn nhà đầu tư có đủ khả năng để thực hiện dự án.
Thành phố đề xuất cơ chế tính tiền sử dụng đất trước còn thời điểm nộp là khi bán được căn hộ. Như vậy, tiền sử dụng đất được xác định lúc giao đất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ phải nộp nộp sử dụng đất khi bán căn hộ tái định cư theo quyết định của thành phố cho các hộ dân.
Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội cũng đề xuất cho phép nhà đầu tư được hưởng 10% lợi nhuận định mức (khoản này không bao gồm lãi suất tiền vay) để thực hiện dự án tương tự định mức phát triển nhà ở xã hội.
|
Mục tiêu diện tích nhà ở bình quân ở Hà Nội đến năm 2030. Đồ họa: Hiếu Công. |
Kỳ vọng được Chính phủ đồng ý, trong năm 2017 này, Hà Nội lên kế hoạch sẽ xây dựng 22.300 căn hộ. Những căn hộ được đề xuất xây dựng bao gồm nhà ở thương mại, phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng.
Dự toán kinh phí để xây dựng 22.300 căn hộ khoảng 55.000 tỷ. Nguồn cung căn hộ dồi dào này sẽ góp phần đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở tái định cư cho nhiều dự án của thành phố trong giai đoạn 2018-2020 và các năm tiếp theo.
Hà Nội cho biết, nếu phương án đầu tư nêu trên được chấp thuận, thành phố sẽ chỉ phải bố trí vốn để giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất chứ không phải bố trí ngân sách để xây dựng công trình như trước kia. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng giải quyết được vấn đề việc làm, có thêm thu nhập và tham gia vào quản lý, vận hành nhà ở tái định cư. Người dân vì thế cũng được hưởng chất lượng và dịch vụ giống như cơ chế nhà ở thương mại.
|
Mục tiêu m2 sàn nhà ở cho một số đối tượng tại Hà Nội đến năm 2020. Đồ họa: Hiếu Công. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP. Hà Nội phải tối ưu hóa tài nguyên đất. Thủ tướng cho biết, đất đai của Hà Nội dù chỉ một gang tấc cũng quý. Do đó, Hà Nội phải khai thác, sử dụng đất có hiệu quả để phát triển và cũng cần chống tham nhũng tiêu cực liên quan đến đất đai.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh về việc Hà Nội cần xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực, nhất là tư nhân đầu tư để tạo cơ chế huy động vốn xây dựng các công trình nói chung, trong đó bao gồm cả các công trình hạ tầng và hệ thống metro Hà Nội.