Với hơn 100 hồ trong khu vực nội thành, Hà Nội được biết đến là “thủ đô của ao hồ”. Mặc dù vậy, hầu hết các hồ đều trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Với hơn 100 hồ trong khu vực nội thành, Hà Nội được biết đến là “thủ đô của ao hồ”. Mặc dù vậy, hầu hết các hồ đều trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Để có những biện pháp cải tạo môi trường hồ và giữ nước hồ trong sạch bền vững, Sở tài nguyên môi trường, Liên hiệp hội KHKT Hà Nội, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Thủ đô, Quỹ bảo vệ môi trường, Hội hóa học Hà Nội, Hội các ngành sinh học Hà Nội và Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội đã tổ chức hội thảo với chủ đề: “Cải tạo môi trường hồ Hà Nội” vào ngày 29/04/2010 vừa qua.
Thực trạng ô nhiễm các hồ
Hiện nay trên địa bàn 10 quận nội thành Hà Nội có khoảng 111 hồ với tổng diện tích khoảng 1.165 ha. Do các dự án phát triển đô thị và tình trạng lấn chiếm bất hợp pháp, một số hồ ao đã bị lấn chiếm để tạo quỹ đất cho phát triển đô thị nên diện tích ao hồ ở Hà Nội giảm mạnh trong hai thập kỷ qua.
Đến thời điểm hiện tại, có 65 hồ chưa được cải tạo chiếm khoảng 2/3 trong số 111 hồ ở Hà Nội. Môi trường các hồ hiện nay đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Do ý thức của một số bộ phận dân cư còn thấp và tốc độ đô thị hóa ngày càng cao nên tại các hồ chưa được kè nằm trong khu vực dân cư hiện tượng lấn chiếm đổ đất, phế thải xây dựng, vứt rác xuống hồ thường xuyên diễn ra như hồ Linh Quang, Rẻ Quạt, Tai Trâu, Tứ Liên,…Rác thải xả trực tiếp xuống hồ là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước mặt hồ. Việc đổ phế thải bừa bãi xuống bờ và lòng hồ gây mất mỹ quan đô thị, làm lòng hồ bị bồi lắng và thu hẹp diện tích sử dụng của hồ cũng như giảm khả năng chứa của hồ. Một số hồ lắp đặt các đăng đó, cửa phai để dâng nước nuôi cá làm ảnh hưởng tới dòng chảy thoát nước như hồ Tam Trinh, hồ Tư Đình, Phương Liệt 1…
Ngoài việc hồ bị lấn chiếm do đổ đất, phế thải xuống bờ hồ và rác thải xả vào hồ, các hồ còn bị bồi lắng rất nhiều do không được nạo vét thường xuyên, mặt hồ phủ kín đầy rau muống, bèo các loại gây mất mỹ quan, không phát huy được vai trò điều hòa thoát nước mưa. Nhiều hồ có khả năng thoát nước mưa nhưng phục vụ cho mục đích nuôi trồng thủy sản gây khó khăn cho công tác thoát nước.
Ô nhiễm nước hồ là một vấn đề đáng lưu tâm. Nước thải xả vào hồ không qua xử lý làm cho chất lượng nước hồ giảm. Do hàng ngày tiếp nhận một lượng lớn nước thải chưa qua xử lý với nồng độ các chất hữu cơ, chất lơ lửng, các muối dinh dưỡng cao và do không được thường xuyên nạo vét nên lượng bùn tích lũy ở đáy hồ, chiều sâu cột nước trong hồ thấp đã làm ảnh hưởng đến khả năng tự làm sạch của hồ và gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt một số hồ tổ chức nuôi cá, đưa nước thải và bã bia…vào hồ để nuôi cá đã làm tưang mức độ ô nhiễm của nước hồ.
Theo kết quả quan trắc chất lượng nước các hồ trong nội thành Hà Nội của Công ty TNHH nhà nước một thành viên thoát nước Hà Nội, các hồ chưa cải tạo nước thải đang trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng thuộc mức 4, hàm lượng COD dao động từ 100 đến 150mg/l, các chỉ tiêu phú dươngx như Nitơ, Phốt pho đều vượt tiêu chuẩn cho phép khoảng từ 2 đến 3 lần, nồng độ ô xy hòa tan trong nước hồ ở mức thấp. Lượng nước thải chảy vào hồ đã vượt quá khả năng tự làm sạch của hầu hết các hồ dẫn đến sự suy thoái chất lượng nước, thiếu hụt oxy và làm tăng trầm tích trong hồ. Ô nhiễm nước hồ, rác thải và sinh vật trong hồ chết làm cho môi trường không khí gần hồ bị ô nhiễm nặng.
Biện pháp “cứu” các hồ
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 46 hồ đã được cải tạo kè đá xung quanh chống lấn chiếm bất hợp pháp và xả rác xuống hồ, xây dựng đườn dạo, không gian xanh để cải thiện cảnh quan hồ.
Theo Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các ao hồ đang được UBND thành phố xem là quan tâm “số 1” trong vấn đề ô nhiễm môi trường sống tại Thủ đô hiện nay. Để từng bước cải tạo môi trường các hồ nội thành Hà Nội, UBND thành phố đã kêu gọi xác hội hóa việc bảo vệ, kè và cải tạo các hồ. Đã có 18 doanh nghiệp đăng ký góp tặng thành phố với tổng kinh phí lên gần 400 tỷ đồng để cải tạo các hồ của thủ đô. Tháng 2/2010, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định đợt đầu giao cho 15 chủ đầu tư cải tạo 15 hồ.
Theo ông Lương Hùng, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường thủ đô, từ năm 2008, thành phố đã có nhiều biện pháp tích cực để giải quyết vấn đề môi trường. Trong năm 2009, thành phố đã ban hành quy chế thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước sông, mương, hồ trên địa bàn, lập tổ công tác liên ngành và các nhà khoa học để tham mưu cho UBND thành phố trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Năm 2002, hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Thủ đô và Liên hiệp các hội Khoa học kĩ thuật Hà Nội cũng làm tờ trình dự án cải tạo ao hồ, mương thoát nước ở Hà Nội. Tuy nhiên, dự án đã không được tích cực thự hiện do vẫn còn thờ ơ với môi trường.
Cũng theo ông Lương Hùng, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường thủ đô, khi các công trình sông, hồ ao, được cải tạo môi trường tốt, chính quyền thành phố nên giao lại cho các quận, phường quản lý từng địa bàn, từng hồ, những nơi nào thiếu trách nhiệm để môi trường tiếp tục ô nhiễm, sẽ bị xử phạt nghiêm minh. Mỗi công trình khi làm xong thành phố cũng nên trích một phần nhỏ tạo quỹ bảo vệ mội trường cho từng phường để quản lý hiệu quả hơn.
“Việc bảo vệ các đầm hồ, chống sự ô nhiễm nguồn nước bằng các biện pháp sinh học và các biện pháp khác nhau cần có mối quan hệ hợp lý và gắn bó, cần bảo vệ các nguồn gen quý hiếm của các thủy vực Hà Nội. Chúng ta cùng cố gắng để làm các mặt nước hồ Hà Nội luôn trong xanh, sạch sẽ, một cảnh quan thanh bình và giữ gìn bản sắc của thủ đô Hà Nội nghìn năm tuổi”, giáo sư Vũ Hoan, chủ tịch Liên hiệp Hội KHKT Hà Nội phát biểu.
Duy Khánh