Khoảng 400 phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) bị thất lạc. Bốn cán bộ liên quan tới vụ việc bị kỷ luật, UBND thành phố yêu cầu công an điều tra.
Khoảng 400 phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) bị thất lạc. Bốn cán bộ liên quan tới vụ việc bị kỷ luật, UBND thành phố yêu cầu công an điều tra.
Người dân thị xã Sơn Tây những ngày gần đây xôn xao bởi thông tin hàng trăm phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) bị thất lạc. Theo ông Chu Quang Dũng, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã Sơn Tây, vụ mất phôi sổ đỏ được phát hiện từ năm 2011. Vụ việc được báo cáo lên UBND thành phố và do Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh chỉ đạo giải quyết. Do số lượng phôi bị mất lớn, lãnh đạo thành phố đã giao cơ quan công an vào cuộc điều tra.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Vũ Văn Hậu, quy trình tiếp nhận, quản lý phôi giấy chứng nhận đã được Sở hướng dẫn chi tiết. Phôi bị thất lạc là do Phòng Tài nguyên Môi trường thị xã Sơn Tây làm không đúng quy trình. Để giải quyết vụ việc, Sở yêu cầu Sơn Tây phải làm rõ số lượng, báo cáo cụ thể, để có cơ sở làm rõ trách nhiệm liên quan trước khi xử lý theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với PV chiều 2/3, ông Lê Văn Lịch, Phó tổng cục trưởng Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho biết, Tổng cục đã nhận được thông tin về chuyện mất phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thị xã Sơn Tây và đang yêu cầu Hà Nội báo cáo. "Cần xác minh rõ nguyên nhân vụ việc, thậm chí phải làm rõ việc mất phôi này có phải do cán bộ tuồn ra để làm giấy chứng nhận giả hay không", ông Lịch nói.
Đại diện Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, sau khi tiếp nhận phôi từ Bộ Tài nguyên Môi trường, việc quản lý là trách nhiệm của Sở và Phòng Tài nguyên Môi trường các quận, huyện, thị xã. Quy trình quản lý phôi đã được Bộ hướng dẫn chi tiết. Theo đó, các địa phương nhận phôi thì phải lập sổ theo dõi, cấp phát cho ai cũng phải thể hiện đầy đủ trong sổ. Trường hợp in sai, in hỏng phải được xử lý hủy bỏ theo quy trình. Mỗi lần hủy phải có hội đồng hủy phôi, lập biên bản chi tiết tới từng số series. Các series hỏng phải được đăng trên website của Sở Tài nguyên Môi trường và báo cáo về Tổng cục Quản lý đất đai.
Do tất cả phôi giấy chứng nhận đều có số series nên việc phải làm ngay là rà soát, báo cáo chi tiết toàn bộ số series của những phôi đã mất. "Mất số lượng lớn phôi giấy chứng nhận như thế mà không rõ nguyên nhân và mất như thế nào là có vấn đề", ông Lịch nói.
Theo kết quả thanh tra của Thanh tra Nhà nước thị xã Sơn Tây, số lượng phôi sổ đỏ bị thất lạc là khoảng 400. Bốn cán bộ liên quan tới vụ việc đã bị kỷ luật (trong đó có 3 người là đảng viên bị kỷ luật về Đảng).
Theo giới kinh doanh nhà đất, chỉ với số lượng vài chục phôi "bốc hơi" đã là sự việc rất nghiêm trọng bởi nhà đất là tài sản có giá trị rất lớn. Mỗi phôi sổ đỏ đều có số series ngay ngoài trang bìa. Nếu các phôi thật này bị tuồn ra bên ngoài thì hoàn toàn có thể bị sử dụng làm "sổ đỏ" giả để mang đi lừa đảo, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho người dân.
Gần đây nhất là vụ cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường thị xã Phúc Yên Nguyễn Quốc Hưng cùng vợ đã làm giả nhiều sổ đỏ mang dấu và chữ ký giả của lãnh đạo huyện Hoài Đức (Hà Nội) lừa bán 15 mảnh đất, chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng. Tương tự, Lê Bá Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) đã lấy trộm gần 30 phôi giấy chứng nhận, chế thành sổ đỏ giả và thế chấp vay tiền ngân hàng với tổng số tiền hơn 70 tỷ đồng.
(Theo VnExpress)