Sở Công Thương Hà Nội vừa kiến nghị điều chỉnh chính sách giá bán buôn, bán lẻ điện tại các khu công nghiệp, chung cư, khu đô thị
Do chênh lệch giữa giá mua buôn và bán lẻ điện quá thấp nên nhiều nhà bán lẻ điện trung gian hiện nay, sau khi đầu tư xong hạ tầng lưới, trạm biếp áp không còn cách nào khác buộc phải bàn giao cho không EVN, gây bất bình đẳng.
Sở Công Thương Hà Nội vừa kiến nghị điều chỉnh chính sách giá bán buôn, bán lẻ điện tại các khu công nghiệp, chung cư, khu đô thị đang quy định tại Thông tư số 42/2011/TT-BCT ngày 19/12/2011 về giá bán điện.
Theo chính sách bán lẻ điện hiện nay, tại một số khu công nghiệp, chung cư, khu đô thị, việc bán điện tới các doanh nghiệp sản xuất, người dân được thực hiện bởi các tổ chức phân phối bán lẻ trung gian ngoài EVN. Theo đó, các nhà đầu tư khâu bán lẻ phân phối này sau khi được cấp phép, sẽ mua điện của các Công ty điện lực thuộc EVN với giá mua buôn nhưng vẫn phải bán giá bán lẻ theo quy định chung. Trong khi đó, mức chênh lệch giữa giá mua buôn và giá bán lẻ này lại quá thấp, không công bằng giữa các công ty thuộc hệ thống EVN và công ty bên ngoài.
Theo điều 17 của Thông tư 42, các công ty điện lực bán buôn điện cho các đơn vị được quyền bán lẻ điện tại khu công nghiệp bằng mức giá bán lẻ điện cho ngành sản xuất giảm trừ 2%.
Đối với khu chung cư, khu đô thị, giá bán buôn điện của các công ty điện lực bán cho các nhà bán lẻ trung gian quy định tại khoản 2 điều 16 và điều 11 của Thông tư này bằng mức giá bán lẻ giảm trừ 2,5 đến 2,6%, không phân biệt là trạm biến áp do ngành điện hay các tổ chức ngoài EVN đầu tư.
Trong trường hợp đầu tư lưới điện hiện đại thì tổn thất kỹ thuật của hệ thống điện từ trạm biến áp đến các hộ dùng điện cũng từ 3-5% .
Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, quy định về độ chênh lệch giữa giá mua buôn và bán lẻ như trên thì không đủ để bù đắp tổn thất kỹ thuật chưa kể đến tổn thất thương mại, chi phí quản lý, khấu hao tài sản cố định để thu hồi vốn cho nhà đầu tư trung gian.
Trong khi đó, điều 4 của Luật điện lực vẫn đang chủ trương khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư vào ngành điện, trong đó bao gồm cả khâu phát điện, bán buôn, bán lẻ điện.
Hậu quả của chính sách theo thông tư 41, theo phân tích của Sở Công Thương Hà Nội là các chủ đầu tư ngoài EVN đang có quyền bán lẻ điện bị thua lỗ. Sau khi đầu tư xong hạ tầng kỹ thuật trong đó có hệ thống điện, không còn con đường nào khác là phải bàn giao cho không ngành điện. Ngoài ra ngành điện còn đưa ra rất nhiều đòi hỏi nhiều khi vô lý nhưng các chủ đầu tư vẫn phải bắt buộc nghe theo. Điều này gây ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh điện, là rào cản trên con đường thị trường hóa khâu phân phối điện, Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh.
Trong khi nguồn lực của EVN có hạn mà nhu cầu đầu tư phát triển lưới điện thì rất lớn. Quy định như vậy không khuyến khích được các thành phần kinh tế khác tham gia hoạt động phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện như Luật Điện lực nêu.
Sở Công Thương kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính điều chỉnh mức chênh lệch giữa giá mua buôn và bán lẻ điện từ 10% hoặc 15% đối với các đối tượng trên tùy thuộc vào trạm biến áp do bên bán điện đầu tư hay bên mua điện đầu tư.
Liên quan đến quy đinh về giá bán buôn điện nông thôn, theo Sở Công Thương Hà Nội, điều 15 của Thông tư 42/2011/TT-BCT không có phân biệt trạm biến áp của ngành điện hay các tổ chức kinh doanh điện nông thôn đầu tư.
Thực tế, khi nhu cầu điện tăng lên nhanh chóng nhưng ngành điện chỉ đầu tư trạm biến áp ở nhưng nơi đã tiếp nhận bán lẻ. Đối với nhưng nơi chưa tiếp nhận bán lẻ thì ngành điện sẽ không đầu tư do đầu tư vừa tốn tiền lại không mang lại hiệu quả kinh tế. Trong khi đó các tổ chức kinh doanh điện nông thôn đầu tư trạm biến áp thì giá mua buôn điện vẫn không thay đổi và như vậy rất thiệt thòi cho các tổ chức này.
Vì vậy, Sở đề nghị Liên bộ điều chỉnh chênh lệch giá mua buôn điện đối với trạm biến áp do bên mua điện đầu tư sẽ thấp hơn 5% so với mua từ trạm biến áp của bên bán điện đầu tư đối với tất cả các mức giá.
(Theo VEF)