Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, ở các quận, số vụ xây dựng không phép chiếm từ 1/2 - 2/3 số vụ vi phạm. Nhìn chung, việc xử lý vẫn còn lúng túng.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội về quản lý trật tự xây dựng (TTXD) cho thấy, nếu như ở các quận, số vụ xây dựng không phép chiếm từ 1/2 - 2/3 số vụ vi phạm TTXD, thì ở các huyện hầu hết là xây dựng không phép ở trên đất nông nghiệp. Nhìn chung, việc xử lý vẫn còn lúng túng.
Từ các quận...
Tính từ ngày 1/1/2010 đến nay, báo cáo này cho biết, các lực lượng chức năng đã xử lý 1.700 trường hợp vi phạm TTXD. Trong đó, mới cưỡng chế phá dỡ được 601 công trình (gần 1/3 số vụ vi phạm) và có tới 1.036 trường hợp xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đất công.
Nếu như công trình 55A, 55B và 53D phố Bà Triệu đang được chủ đầu tư tự tháo dỡ phần xây dựng sai phép từ ngày 14/5/2012, thì một số công trình ở các quận khác vẫn đang trong quá trình kiểm tra. Cụ thể, chỉ riêng trên quận Hai Bà Trưng có tới 10 công trình vi phạm TTXD ở các phố Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Đại Cồ Việt và Đoàn Trần Nghiệp. Với các công trình vi phạm này, vẫn chỉ dừng ở mức UBND quận ra quyết định lập đoàn kiểm tra để kiểm tra và đề xuất hướng xử lý!
Cũng theo báo cáo của Sở Xây dựng, ở khu vực nội thành, quận nào cũng có vi phạm TTXD, chỉ ít hoặc nhiều mà thôi. “Đứng đầu bảng” về số vụ vi phạm TTXD là quận Hai Bà Trưng với 31 trường hợp, trong đó có 17 vụ xây dựng không phép và số vụ tồn đọng (đang giải quyết) là 19; tiếp đó là quận Ba Đình (25, 13, 22); thứ ba là quận Thanh Xuân (16, 9 và 16). Số liệu này cho thấy, dù chỉ xếp thứ ba về số vụ vi phạm TTXD, nhưng quận Thanh Xuân có bao nhiêu vụ thì vẫn tồn đọng bấy nhiêu vụ (16 vụ).
Còn quận Ba Đình tuy “khiêm tốn” đứng thứ hai về số vụ vi phạm TTXD, nhưng nhiều vụ tồn đọng nhất (22 vụ).
Vậy tại sao ở các quận vẫn tồn tại không ít các vụ xây dựng không phép? Điều đáng tiếc là, trong báo cáo này không cho biết các vụ xây dựng không phép đã giải quyết được bao nhiêu trong tổng số các vụ đã xử lý. Bởi lẽ, việc xây dựng không phép là vấn đề lớn, bởi nó đặt ra rất nhiều câu hỏi cho dư luận: Tại sao công trình không phép đó có thể được mọc lên, dù thực tế ai cũng biết, chỉ mới khởi công là các đơn vị chức năng của phường đều biết? Như vậy, kỷ cương phép nước và công bằng ở đâu?...
... đến các huyện
Nếu với các quận, số vụ vi phạm TTXD lên tới 31 đã “đứng đầu bảng”, thì ở các huyện con số đó gấp trên 10 lần.
Huyện “đứng đầu” danh sách này là Quốc Oai với 382 trường hợp, trong đó có tới 381 trường hợp xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đất công và đất quốc phòng. Hiện, huyện này đã cưỡng chế được 217 trường hợp, 5 trường hợp dân tự phá dỡ và còn tồn đọng 160 trường hợp.
Dù chỉ đứng thứ hai về số vụ vi phạm TTXD, huyện Sóc Sơn cũng có 290 trường hợp xây dựng không phép và đang tồn đọng 68 trường hợp.
Còn huyện Từ Liêm cũng có 151 trường hợp vi phạm TTXD. Dù đứng ở vị trí thứ ba, nhưng huyện này đã cưỡng chế và yêu cầu các gia đình tự phá dỡ khá nhiều, nên chỉ tồn đọng 13 trường hợp.
Một số huyện có số vụ vi phạm TTXD tuy ít hơn huyện Từ Liêm, nhưng số vụ tồn đọng lại nhiều hơn, như các huyện Hoài Đức (81 trường hợp), Phú Xuyên (74), Mê Linh (66), Thường Tín (55)...
Điều này cho thấy, cách xử lý của chính quyền địa phương với các trường hợp xây dựng không phép trên đất không được phép xây dựng rất khác nhau. Nơi khá cương quyết và nơi thì gần như buông xuôi. Vậy dư luận muốn biết, Thành ủy, UBND TP.Hà Nội sẽ xử lý trách nhiệm với chính quyền ở các địa phương này như thế nào?
Ở các huyện, việc vi phạm TTXD chủ yếu diễn ra trên đất nông nghiệp. Riêng huyện Ba Vì có 38 trường hợp xây dựng không phép, nhưng có tới 37 trường hợp vi phạm quy hoạch và lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Cả 38 trường hợp này hiện vẫn thuộc diện tồn đọng!
(Theo LĐO)