Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với tổng diện tích gần 11.000 ha.
Theo đó, phân khu đô thị sông Hồng có chiều dài 40km, trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Khu vực lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 huyện, quận gồm: Thanh Trì, Thường Tín, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Đan Phượng, Long Biên, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình và Hoàn Kiếm.
|
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có quy mô diện tích gần 11.000 ha. Ảnh: Internet |
Nội dung quyết định nêu rõ, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng gồm 03 phân đoạn chính. Cụ thể, phân đoạn thứ nhất là phân đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Thăng Long (đoạn R1-R2). Theo quy hoạch được duyệt, đây là khu vực phát triển không gian sinh thái, bảo tồn tính tự nhiên trên cơ sở các làng xóm ven đô được dần đô thị hóa và đất bãi, đất nông nghiệp của các huyện, quận Đông Anh, Mê Linh, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm.
Khu vực này sẽ phát triển công viên chuyên đề với mô hình trang trại sinh thái, nông nghiệp đô thị phục vụ du lịch và các khu vực đa chức năng gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển (cụm cảng Chèm).
Phân đoạn thứ hai là phân đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì (đoạn R3-R4). Khu vực này sẽ là trung tâm của phân khu đô thị sông Hồng. Phía Bắc gồm các khu vực làng xóm đô thị hóa thuộc quận Long Biên, huyện Đông Anh và khu vực đất bãi được nghiên cứu xây dựng, phía Nam thuộc các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, gồm đất ở đô thị với mật độ rất cao, đất bãi và khu vực bãi giữa.
Đây là khu vực đa chức năng, gồm các công trình công cộng văn hóa, thương mại dịch vụ, không gian cảnh quan thúc đẩy tiện nghi giải trí của đô thị ở khu vực bãi giữa, trục không gian lịch sử liên kết khu vực hồ Tây - Cổ Loa.
Phân đoạn thứ ba là phân đoạn từ cầu Thanh Trì đến cầu Mễ Sở (đoạn R5). Theo quy hoạch, đây là không gian sinh thái trọng tâm của phân khu đô thị sông Hồng, gồm các khu vực nông nghiệp trồng cây cảnh, rau màu, các khu vực nuôi trồng thủy sản, các làng nông nghiệp truyền thống, công trình di tích lịch sử.
Định hướng cho khu vực này là bảo tồn, khôi phục các giá trị tự nhiên, văn hóa phục vụ du lịch và phát triển các khu vực đa chức năng gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển (cảng Thanh Trì, Bát Tràng), làng nghề Bát Tràng.
TP. Hà Nội nghiên cứu quy hoạch 8 bãi sông Hồng. Trong đó, 6 khu vực được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590 ha) gồm: Kim Lan - Văn Đức, Đông Dư - Bát Tràng, Chu Phan - Tráng Việt, Hoàng Mai - Thanh Trì và Thượng Cát - Liên Mạc. Khu vực Tàm Xá - Xuân Canh nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 15% (khoảng 408 ha).
Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng xác định xây dựng mới 6 cầu đường bộ qua sông Hồng gồm: Cầu Trần Hưng Đạo kết nối đường Trần Hưng Đạo sang Long Biên (6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp); cầu Tứ Liên kết nối các tuyến đường trục chính đô thị dọc hành lang 2 bên sông Hồng (6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp); cầu Thượng Cát và cầu Ngọc Hồi trên đường vành đai 3,5 (6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp); cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở trên đường vành đai 4 (6 làn xe cao tốc, 2 làn hỗn hợp)...
Lam Giang
Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2022/04/01/ha-noi-phe-duyet-do-an-quy-hoach-phan-khu-do-thi-song-hong