Dự kiến từ nay đến 2015, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng, cải tạo và chuyển đổi mô hình 78 chợ truyền thống hiện hành.
Dự kiến từ nay đến 2015, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng, cải tạo và chuyển đổi mô hình 78 chợ truyền thống hiện hành.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hiện tại Hà Nội có 96 doanh nghiệp tham gia quản lý, kinh doanh, khai thác các chợ trên địa bàn. Trong đó từ năm 2008 đến nay, Thành phố đã tiến hành xây mới được 30 chợ, cải tạo nâng cấp 44 chợ với tổng số vốn đầu tư gần 2.376 tỷ đồng. Trong năm 2012, toàn Thành phố sẽ xóa và giải tỏa 74 lượt chợ xanh, chợ cóc gây cản trở giao thông, mất vệ sinh môi trường.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ, từ nay đến tháng 11/2012, Sở Công Thương Hà Nội sẽ kiểm tra tình hình hoạt động chợ tại các quận, huyện, thị xã và tổng hợp báo cáo kết quả, đề xuất Bộ Công Thương và UBND Thành phố các biện pháp nâng cao hoạt động của chợ trên địa bàn Thành phố.
Sở cũng kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng lại chợ, giảm bớt thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thời gian phê duyệt dự án đầu tư xây dựng chợ.
Theo phản ánh của người dân Thủ đô, hiện trên địa bàn Hà Nội có khá nhiều khu chợ truyền thống đã được Thành phố cho chuyển đổi mô hình thành trung tâm thương mại kết hợp chợ. Tuy nhiên, do sự bất hợp lý trong bố trí không gian và các ngành hàng cũng như giá thuê mặt bằng nên hầu hết các khu chợ kiểu mới này đều vắng cả khách thuê lẫn khách mua hàng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Công Thương, việc chuyển đổi chợ là phù hợp với xu thế, nhưng vẫn phải giữ những sinh hoạt văn hóa đặc trưng riêng của chợ truyền thống. Do đó, Sở yêu cầu chủ đầu tư cần phải tôn trọng những gì đã được coi là truyền thống và quen thuộc với cuộc sống của người dân, tránh mắc lại sai lầm khi chuyển đổi mô hình ở những chợ lớn của Hà Nội như Hàng Da, Cửa Nam…
Theo Vneocnomy