Mỗi du khách khi đặt chân đến Hàng Đào đều cảm nhận được một cái gì thật riêng của Hà Nội. Còn với những người Hà Nội gốc, nhìn Hàng Đào hôm nay dường như trong họ có chút gì nuối tiếc.
Hà Nội trên từng con phố: Phố Hàng Bạc
Mỗi du khách khi đặt chân đến Hàng Đào đều cảm nhận được một cái gì thật riêng của Hà Nội. Còn với những người Hà Nội gốc, nhìn Hàng Đào hôm nay dường như trong họ có chút gì nuối tiếc.
Phố Hàng Đào còn đó…
Hàng Đào là một trong những tuyến phố chính của Hà Nội. Đây cũng là một trong những con phố cổ nhất của kinh thành Thăng Long xưa. Ngày nay, Hàng Đào còn là một tuyến phố đắt đỏ bậc nhất của Hà Nội khi giá đất nhà mặt phố được giao dịch cả tỷ đồng một mét vuông.
Từ khi được hình thành, Hàng Đào vẫn luôn là con phố kiêu sa bậc nhất đất Kinh kỳ. Tại thành Thăng Long xưa, Phố Hàng Đào thuộc phường Đồng Lạc và Đại Lợi, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Phường Đại Lợi tập trung người làng Đan Loan (Bình Giang, Hải Dương), làng Đình Loan, Đông Cao (Bắc Ninh) chuyên nghề nhuộm tơ lụa có từ thời Trần, Hồ, đến đời Lê đã rất phát triển. Phiên chợ tơ của phố ngày xưa mở vào ngày mồng 1 và 6 âm lịch hàng tháng trở thành một trong những phiên chợ quan trọng nhất của Kinh thành xưa. Phiên chợ thu hút các làng dệt tứ xứ đến mua bán, như the từ La Cả, La Khê, lĩnh từ làng Bưởi ven Hồ Tây, gấm vóc của Vạn Phúc, rồi các giao dịch của thợ nhuộm, thợ cửi, người bán tơ, bán sợi…
Hàng Đào trở thành một trung tâm nhuộm tơ lụa và nhiễu sầm uất nhất cả nước thời bấy giờ. Hiện nay vẫn còn tấm bia có từ năm 1706 ghi rõ tên cụ tổ sư nghề nhuộm cũng là thành hoàng làng tại số nhà 90A. Cái tên “Hàng Đào” cũng bắt đầu từ đặc trưng này (Đào hay điều là đỏ, phố chuyên buôn bán tơ lụa, vải điều nên gọi là Hàng Đào). Sau này khi nghề nhuộm màu chuyển sang phố Cầu Gỗ thì phố Hàng Đào lại chuyển thành phố bán các hàng tấm: the, lụa, lượt, là, cấp, đũi, băng, sa, xuyến, chồi…
Thời Pháp thuộc, phố mang tên là Rue de la Soie (phố bán lụa) nhưng người dân vẫn quen giữ và gọi là Hàng Đào. Hàng Đào chủ yếu là nơi sinh sống của những ông quan về hưu. Các bà vợ quan mở cửa hàng buôn bán tơ lụa tại gia. Đầu thế kỷ 20, các thương gia Ấn Độ tới đây buôn bán và cũng mở các cửa hàng tơ lụa, vải vóc. Ổi Quảng Bá, cá Hồ Tây/ Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người. Câu ca dao cổ từ lâu đã khắc sâu vào tâm trí biết bao thế hệ những người con yêu mến đất Thăng Long về hình ảnh một con phố buôn bán nổi tiếng của Hà Nội
Trong các sản phẩm tơ lụa của Hàng Đào thì nổi tiếng nhất và có truyền thống lâu đời nhất là Yếm Đào. Nửa đầu Hàng Đào xưa là chợ bán yếm nhộn nhịp người bán kẻ mua nhất ở đất Thăng Long.
Theo nề nếp, phụ nữ Việt thường đi chợ mua tơ tằm tự may yếm. Bởi vậy, Thăng Long – Kẻ chợ đã có cả một cái chợ dành cho phường bán yếm. Trong cái chợ rực rỡ “yếm lụa” xa xưa ấy, từ các làng quê, những sản phẩm tuyệt hảo của tơ tằm đã đổ về đây, quyến rũ, bắt mắt đàn bà con gái Thăng Long, đặc biệt là trước những lễ hội. Họ rủ nhau tấp nập chọn tơ tằm may yếm và sắm sửa lụa là gấm vóc để may váy áo tứ thân, năm thân, áo cánh, thắt lưng, khăn vấn và cả đồ trang sức vàng bạc.
Yếm Việt đẹp đến mức, đầu thế kỉ XX, khi hai họa sĩ “Tây học”: Lê Phổ - Cát Tường phát minh áo dài tân thời, thì vẻ đẹp tân kì, pha trộn hài hòa Đông – Tây của nó vẫn cứ phảng phất giữ lại vẻ đẹp của chiếc yếm thuở nào.
Ngày nay, dừng lại ở ngôi nhà số 38, ngước nhìn lên cổng giữa, vẫn thấy hàng chữ Hán màu đen nổi bật trên nền vôi vàng. 5 chữ Hán này là “Đồng Lạc quyến yếm thị”. Đây là ngôi đình của chợ bán yếm lụa ngày xưa, mang tên Đồng Lạc.
Khoảng những năm 20 của thế kỉ XX, vải tây thắng thế, quá nửa phố cho thuê bán vải tây, hàng truyền thống vắng hẳn. Rồi dần dần phố không còn bán vải nhuộm màu nữa, các chủ hàng có nhiều vốn chuyển sang các loại hàng cao cấp, xa xỉ.
Ngày nay, Phố Hàng Đào nằm theo hướng bắc - nam, dài khoảng 260m. Phố Hàng Đào được coi là đường trục chính của 36 phố phường. Đầu phía nam của phố sát bờ hồ Hoàn Kiếm, đầu phía bắc giáp phố Hàng Ngang. Phía tây của phố là các nhà mang số chẵn, phía đông là các nhà mang số lẻ, cao thấp theo phong thủy xưa.
Diện mạo của phố cổ Hàng Đào đã thay đổi nhiều. Vẫn đóng vai trò là phố buôn bán chính, sầm uất, đông đúc nhất Hà Nội, nhưng phố Hàng Đào chuyên bán quần áo, sản phẩm du lịch, tiêu dùng như: kim hoàn, thời trang, đồng hồ… phục vụ du khách và người dân Hà thành. Từ năm 2006, UBND quận Hoàn Kiếm cho phép thành lập tuyến phố đi bộ Chợ Đêm Hàng Đào - Đồng Xuân vào các tối thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật. Chợ chủ yếu bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, tơ lụa truyền thống, đồ lưu niệm, và cả hàng quán giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội, thu hút rất nhiều khách du lịch đến thăm quan. Tuyến phố đi bộ trên Chợ Đêm Hàng Đào - Đồng Xuân đã tạo nên một nét văn hóa hoàn toàn mới của Thủ đô, một nếp sinh hoạt thương mại kết hợp truyền thống với hiện đại.
Có thể thấy, những nét văn hóa đặc trưng của phố Hàng Đào xưa giờ đã dần mai một nhường chỗ cho sự pha tạp tân thời. Qua phố Hàng Đào, ngước mắt lên cao một chút, vẫn còn đó những mái ngói, ô cửa cũ kỹ nhưng đan xen vào là nhà cao tầng, biển hiệu, cửa kính sáng choang… Người Hàng Đào vẫn có câu: Phố bán nhiều đồng hồ nhưng không ai mua được thời gian.
Người Hàng Đào còn đây…
Phố Hàng Đào là nơi buôn bán lụa là, vóc nhiễu với nhiều màu sắc đẹp đẽ, và người Người Hàng Đào từ lâu vẫn nổi tiếng là người thanh lịch, con người của Kinh Kỳ kiểu cách đến thành cầu kì, hào nhoáng. Mặc dù là phố buôn bán nhưng Hàng Đào lại được coi là cái nôi của văn hóa Thăng Long.
Những người yêu Hà Nội không mấy ai quên được nét đẹp của những cô gái Hàng Đào. Những cô gái Hàng Đào trong quá khứ lúc nào cũng mặt hoa da phấn, ăn mặc chải chuốt, phong cách đoan trang ngay cả khi ngồi bán hàng. Lời nói nhẹ nhàng và cái cười duyên dáng của các cô khiến khách hàng không dễ bỏ đi. Con gái Hàng Đào xưa có biệt tài kinh doanh nhưng là sự kinh doanh khôn ngoan chứ không nhiều chụp giật, bon chen như bây giờ.
Ông thợ vẽ truyền thần, với gần 40 năm làm nghề ở 51 Hàng Đào bảo chúng tôi rằng: “Trước đây, người Hàng Đào cực kỳ giản dị, nhưng là sự giản dị sang trọng. Cứ nhìn cung cách các bà, các chị, các cô xuống phố, ra chợ là biết ngay. Có một vẻ gì đó nhàn nhã, tinh tế, yêu kiều rất khó diễn tả”...
Phố Hàng Đào rất cổ kính nhưng cũng rất hiện đại. Còn đó những di tích cổ của một thời vang bóng : di tích trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại số nhà 10; Miếu Đồng Lạc tại số nhà 31; Đình Hoa Lộc Thị ở số nhà 90A (là đình của người làng Đan Loan, thờ vọng thành hoàng làng Đan Loan là Triệu Xương và phu nhân Phương Dung và ông tổ nhuộm vải xưa); Đình Đồng Lạc ở số nhà 38 thờ thần Bạch Mã, Linh Lang, Cao Sơn… nhưng sự nuối tiếc vẫn là có thật, hiện hữu trong mỗi tâm hồn người Hàng Đào gốc.
Nguyễn (tổng hợp)