Điểm đỗ bằng giàn thép có hệ thống nâng hạ tự động dành cho ôtô từ 4 đến 7 chỗ sắp lắp đặt tại phố Trần Nhật Duật và Nguyễn Công Hoan.
Điểm đỗ bằng giàn thép có hệ thống nâng hạ tự động dành cho ôtô từ 4 đến 7 chỗ sắp lắp đặt tại phố Trần Nhật Duật và Nguyễn Công Hoan.
Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đang lập dự án xây hai điểm đỗ xe cao tầng bằng giàn thép theo công nghệ Nhật Bản, có công suất sử dụng gấp 4 lần bãi đỗ hiện có.
Điểm đỗ tại phố Trần Nhật Duật sẽ được xây dựng trên diện tích 415 m2, đáp ứng nhu cầu đỗ cho 105 xe con với tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng.
Bãi đỗ cao tầng tại phố Nguyễn Công Hoan xây dựng trên diện tích 1.806 m2, công suất chứa 255 xe, tổng đầu tư 6 tỷ đồng. Mức đầu tư bãi đỗ xe này thấp hơn do không phải giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, đơn vị này cũng có đề án xây dựng bãi đỗ xe giàn thép cao tầng tại bờ phải sông Tô Lịch (đoạn từ cầu Lủ đến cầu Dậu) và tại Phùng Hưng - Hàng Lược, điểm đỗ xe Ngọc Khánh. Tuy nhiên, các điểm đỗ này đang khó khăn mặt bằng, khu vực sông Tô Lịch chưa hoàn thành cống hóa; điểm Phùng Hưng vướng chợ tạm; điễm Ngọc Khánh sẽ là mặt bằng tập kết vật liệu xây dựng của tuyến tàu điện số 3.
Theo đề án sắp xếp mạng lưới điểm đỗ xe đến năm 2020 do Sở Giao thông Vận tải soạn thảo, giai đoạn 2011-2015 thành phố kêu gọi đầu tư 9 điểm đỗ xe cao tầng cơ giới để giải quyết nhu cầu đỗ xe tại các khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao như quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa.
Các vị trí được đề xuất xây dựng bãi đỗ xe cao tầng gồm: đoạn cống hóa đường Nguyễn Công Hoan, Trần Khát Trân, dọc bờ tây sông Tô Lịch, phố Nguyễn Công Trứ, vòng xuyến cầu Vĩnh Tuy, đường Nguyễn Đình Chiểu - Trần Nhân Tông, Trần Nhật Duật, Kim Liên, cuối phố Phùng Hưng - Hàng Lược.
Hiện diện tích các điểm, bãi đỗ xe công cộng được cấp phép tại Hà Nội mới đáp ứng 8-10% nhu cầu đỗ xe của phương tiện hiện có. Còn lại 90% số phương tiện có nhu cầu đang phải đỗ tại khu chung cư, khu đô thị, công sở, lòng đường, vỉa hè, sân trường, các khu đất trống của dự án...
(Theo VnExpress)