Là vùng đất địa linh, nhân kiệt, mảnh đất đồi gò huyện Ba Vì dày đặc các di tích, lịch sử văn hoá.
Là vùng đất địa linh, nhân kiệt, mảnh đất đồi gò huyện Ba Vì dày đặc các di tích, lịch sử văn hoá.
Đây còn là nơi cư ngụ của nhiều dân tộc khác nhau, với những phong tục, tập quán nét văn hóa riêng biệt. Không những thế, Ba Vì được thiên nhiên ban tặng cả bức tranh phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, với hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật đa dạng, được coi là “lá phổi xanh” phía Tây - Thủ đô Hà Nội. Những tiềm năng đó đang là lợi thế giúp Ba Vì thu hút du khách đến tham quan.
Đến với Ba Vì, ấn tượng đầu tiên khách thập phương sẽ được chứng kiến nhiều di tích văn hóa dân gian vật thể và phi vật thể độc đáo. Trong số đó phải kể đến truyền thuyết về vị thần được ngưỡng kính trong tâm thức của ngàn đời người dân đất Việt là Đệ Nhất Phúc Thần Tản Viên, hay còn gọi là Nam Thiên Thần Tổ, vị thần trong Tứ Bất Tử.
Tục truyền rằng song thân của Đức Thánh Tản là bậc hiền từ, dày công tu nhân tích đức, làm nhiều việc thiện, nhưng tuổi đã cao mà vẫn chưa có con. Một hôm, thân mẫu của ngài vào rừng kiếm củi, đến Thạch Bàn, bà bỗng thấy mây lành bao phủ, rồng vàng bay đến phun nước như mưa, khí thiêng lan toả. Sau khi rồng bay đi, bà thấy hương bay ngào ngạt, nước giếng trong như ngọc, bà liền xuống tắm. Bà thấy trong người khoan khoái liền thụ thai từ đây.
Mười bốn tháng sau, đúng ngày rằm tháng giêng, bà trở dạ sinh hạ được cậu con trai khôi ngô tuấn tú, dáng vóc cao lớn khác thường. Ông, bà đặt tên con là Nguyễn Tuấn. Khi lên 6 tuổi Nguyến Tuấn mồ côi cha. Sau khi lo hậu sự cho chồng, bà mẹ Nguyễn Tuấn đã đưa con lên núi Tản Viên cư ngụ, ngày ngày mẹ con vào rừng kiếm củi nuôi thân. Động lòng trắc ẩn trước cảnh mẹ góa con côi, bà Ma Thị là Cao Sơn Thần Nữ ở núi Tản đã nhận Nguyễn Tuấn làm con nuôi.
Năm 12 tuổi, Nguyễn Tuấn theo học Lý Đường tiên sinh và đổi tên là Nguyễn Tùng. Vài năm sau, Nguyễn Tuấn đã thuộc làu thiên kinh vạn quyển. Lớn lên, Nguyễn Tuấn được Thái Bạch Thần Tinh Tử vi thiên tướng tặng một chiếc gậy sinh tử. Đầu gậy có thể cứu tử, cứu sinh, cuối gậy có thể trừ tai ách. Nguyễn Tuấn đã dùng gậy này để cứu độ chúng sinh và diệt trừ thú dữ, nên được thần linh và nhân gian ngưỡng mộ, kính phục gọi là thần sư hay Sơn Tinh. Do có công cứu được Thái Tử con trai Long Vương bể Nam Hải nên Nguyễn Tuấn được Long Vương tạ ơn tặng quyển sách ước, nên pháp diệu ngày càng cao. Nguyễn Tuấn còn được vua Hùng thứ 18 là Hùng Duệ Vương gả Mỵ Nương Ngọc Hoa công chúa.
Với truyền thuyết đầy tính nhân văn, từ ngàn đời qua, nhân dân nhớ ơn cứu sinh, độ thế, giúp dân trị thuỷ của vị phúc thần Tản Viên nên đã lập nhiều đền thờ ngài ở quanh núi Ba Vì. Trải qua năm tháng thời gian, những sự tích và những ngôi Đền thờ ngài đã trở thành biểu tượng đặc trưng cho văn hóa tâm linh của xứ Đoài.
Ngoài những khu vực linh thiêng thờ Đức thánh Tản Viên, trên địa bàn huyện Ba Vì còn có cụm di tích Đền Hạ, Đền Trung và Đền thượng. Những di tích này đã được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia. Đây là những yếu tố giúp Ba Vì có điều kiện phát triển loại hình du lịch tâm linh kết hợp với các loại hình du lịch sinh thái, tĩnh dưỡng…
Để tạo đà thúc đẩy các loại hình du lịch phát triển, huyện Ba Vì đã tranh thủ sự giúp đã của cấp trên, tập trung phát triển ngành “công nghiệp không khói” theo hướng bền vững, hiệu quả kinh tế cao. Có thể thấy, trong các đề án phát triển du lịch, Ba Vì đặc biệt quân tâm đến công tác quy hoạch, mời gọi đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đầu tư cơ sở hạ tầng, cho ra đời các sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn khách du lịch. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo huyện Ba Vì cho biết, hiện nay, để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, Ba Vì đang tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hợp tác cùng các đơn vị tư vấn tiếp tục rà soát và bổ sung hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Ba Vì đến năm 2020. Trọng tâm là quy hoạch phát triển các điểm du lịch ở sườn Đông và khai thác hiệu quả sườn Tây núi Ba Vì. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các khu du lịch Suối Hai, khu nước khoáng Thuần Mỹ. Và tạo điều kiện để các doanh có điều kiện đầu tư mở rộng các khu, điểm du lịch sẵn có như: Ao Vua, Đầm Long, Thiên Sơn - Suối Ngà… Nếu đúng như kế hoạch của huyện Ba Vì thì mỗi khu du lịch này có thể mở rộng diện tích lên 100 ha để tạo ra những khu du lịch sinh thái với quy mô hoành tráng, đẹp, hấp dẫn hơn.
Không chỉ có vậy, Ba Vì còn tập trung rà soát quy hoạch đất đai của các nông trường trên địa bàn và phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố và Bộ NN&PTNT xây dựng phương án giải quyết nước tưới trong lưu vực hồ nước tưới trên địa bàn để chuyển dần sang phát triển du lịch. Cùng với việc triển khai các dự án hứa hẹn đầy tiềm năng, Ba Vì còn xây dựng đề án khai thác lợi thế của Vườn Quốc gia Ba Vì để phát triển loại hình du lịch sinh thái. Chủ trương của huyện sẽ tập trung vào các điểm: Bản Di, bản Cốc, suối Cái, Đền Trung, suối Mít, suối Bóp, khu vực từ Cốt 400 đến 600 và 800 sườn Đông núi Ba Vì....
Cùng với việc tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn, huyện Ba Vì đã xác định được chiến lược phát triển dài hơi. Chính vì vậy các khu vực như: Hồ Suối Hai, sườn Đông và sườn Tây đã có đề án nghiên cứu, sắp tới sẽ được triển khai để sớm trở thành những địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.
(Theo UBND TP HN)