Nói về sự thất bại của 3 dự án chuyển đổi chợ thành trung tâm thương mại, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội – ông Lê Hồng Thăng cho rằng, đây là bài học đắt giá.
Nói về sự thất bại của 3 dự án chuyển đổi chợ thành trung tâm thương mại, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội – ông Lê Hồng Thăng cho rằng, đây là bài học đắt giá, cần rút kinh nghiệm…
- Thưa ông, Hà Nội đã phá bỏ một số chợ truyền thống để xây siêu thị hoặc trung tâm thương mại. Nhìn vào hiện trạng bây giờ, ông có thể đánh giá như thế nào?
Hà Nội có 3 chợ truyền thống chuyển sang thành trung tâm thương mại do doanh nghiệp đầu tư. Đây thực sự là những bài học đắt giá, phải nghiêm túc kiểm điểm. Đó chính là 3 dự án: Chợ Cửa Nam, Chợ Hàng Da và một phần đang cải tạo ở chợ Hôm.
Đây là những dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng khi đầu tư triển khai không tính toán được hết nên đã không hình thành được chợ. Các tiểu thương không thuê được nên chủ đầu tư đành chuyển mặt hàng kinh doanh khác. Đây là một tồn tại trong quá trình cải tạo chợ.
Với chợ Nghĩa Tân, bà con phản đối là do chuyển mô hình ban quản lý sang thành doanh nghiệp chứ không phải phản đối chuyện xây dựng dự án. Mình muốn cải tạo nhưng lại đẩy bà con tiểu thương ra ngoài, và lại không hoạt động thương mại được. Đó là bài học xương máu.
- Theo Đề án quy hoạch mạng lưới bán buôn bán lẻ… do Sở Công thương làm chủ đầu tư, Hà Nội vẫn sẽ dần dần chuyển đổi tất cả các chợ thành siêu thị hoặc trung tâm thương mại. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Làm gì có chuyện đó. Tôi là giám đốc Sở Công thương. Đề án ấy được viết trước khi tôi về, nhưng quy hoạch của tôi không bao giờ có chuyện đó.
- Nhưng rõ ràng trong Đề án ghi là “Mạng lưới chợ trên địa bàn các quận sẽ dần chuyển hóa các chợ lớn thành các trung tâm mua sắm, đồng thời nâng cấp, cải tạo các chợ dân sinh loại nhỏ sang loại hình siêu thị…
Ta đừng nên cố chấp câu từ mà nên xem lại quy hoạch vừa được HĐND thông qua. Cái gì tiến bộ thì cái cũ phải loại ra.
Sẽ không có chuyện chuyển đổi các chợ thành Trung tâm thương mại lớn theo kiểu chợ không ra chợ, trung tâm thương mại không ra trung tâm thương mại. Trong quy hoạch hiện nay đã chỉnh sửa, không còn hiện tượng ấy nữa.
Chợ là văn hóa truyền thống, không xem xét kỹ là rất nguy hiểm. Quy hoạch là phải đặt vấn đề cải tạo phải phù hợp. Phần truyền thống thường là nông sản thực phẩm, mua cá, dưa, hoặc mua gia vị, mang tính chất văn hóa. Người ta đến chợ không chỉ mua hàng mà còn tìm hiểu, chuyện trò, giao lưu, vui chơi.
Rất nhiều người đi bộ sớm rồi đi chợ, mua sắm 1 vài thứ, gặp gỡ 1 vài người bạn, trao đổi các thông tin rồi mới về. Đó là truyền thống còn duy trì không chỉ ở nông thôn mà cả ở các đô thị. Mình cắt đi phần đó là không được. Quy hoạch là phải nghiêm ngặt, phải duy trì văn hóa của người dân Việt đi chợ.
Tôi sang Tây Ban Nha, họ vẫn giữ những mô hình chợ truyền thống 300 năm, chỉ cải tạo sao cho bền vững còn mô hình hoạt động truyền thống vẫn giữ. Có khi đến ngắm, không định mua gì nhưng thấy nói chuyện hay lại mua.
- Có phải những chợ chuyển đổi toàn là nơi đất vàng, vì thế khó giữ lại được phần truyền thống?
Tôi mới về Sở Công thương tháng 11 năm ngoái, mà những chợ này hình thành từ cách đây ít nhất 4-5 năm rồi. Từ quá trình cải tạo cho đến xây dựng, hình thành. Có những cái rất hay, nhưng cũng có cái chưa được, phải kịp thời để chỉnh sửa.
Sở Công thương đã tham mưu cho UBND Thành phố khi xem xét cải tạo các chợ phải tính toán hết sức kỹ lưỡng, chợ truyền thống phải duy trì, phần bách hóa có thể chuyển sang trung tâm thương mại, như vậy mới đạt được mục đích. Thành phố cũng đã chấp thuận.
- Vậy quan điểm của ông khi cải tạo chợ là như thế nào?
Tất cả những chợ chuyển đổi, đừng nghĩ đến chữ Trung tâm thương mại, mà đây vẫn phải là chợ. Nhưng phần truyền thống và phần nâng cấp làm sao cho phù hợp. Người ta vẫn cải tạo nhưng vẫn giữ được văn hóa chợ. Cải tạo là làm nó đàng hoàng hơn, sạch hơn, ví dụ như phần bách hóa, có thể lắp cả điều hòa. Còn phần nông sản thì phân ô thế nào, người nào bán sáng, người nào bán chiều, mái như thế nào, khoảng không, công tác vệ sinh môi trường… đó là những cái cần cải tạo.
Cách làm như vậy thì mới hỗ trợ được. Một chợ mà thành bách hóa, trung tâm thương mại thì không ai đến. Nhưng nếu phần truyền thống vẫn giữ thì hai bên sẽ hỗ trợ, bù được cho nhau. Doanh nghiệp có vốn lớn, hoạt động ở các trung tâm lớn. Còn tiểu thương thì cũng phải duy trì cuộc sống, tại sao lại đẩy người ta ra đường?
Chợ truyền thống là một nét văn hóa. Ở Nhật vẫn duy trì chợ truyền thống, bán cá bán tôm tấp nập nhưng sạch sẽ, ở ngay trung tâm thành phố.
Nhưng bảo là trong Thành phố vẫn còn chợ Nông dân thì không phải. Không có cái nước nào người ta làm thế. Tôi đã đi Malaysia, Thái Lan, Singapore… không có chuyện đó. Không có chuyện vẫn giữ như chợ ngày xưa để mọi người kéo xe hàng vào bán. Người ta vẫn cải tạo, nhưng vẫn giữ bản chất văn hóa. Với những cái lều lán… bây giờ phải xây cho đàng hoàng, mà nếu cần thì lắp cả điều hòa. Người dân của ta cũng tiến bộ rồi. .
- Còn đối với những chợ đã được cải tạo nhưng không sử dụng hết thì sẽ giải quyết ra sao, thưa ông?
Phải phụ thuộc vào từng vị trí và từng nhà đầu tư, xem nhà đầu tư có đề xuất kiến nghị gì không. Đó đều là của cải của xã hội, phải phù hợp với quá trình thu hồi vốn của nhà đầu tư và nhu cầu sử dụng của nhân dân.
Có một điều chắc chắn, đó là từ khi tôi về đã quy định, tất cả các quận chuyển đổi tôi không bao giờ ký chuyển đổi thành nhà ở. Dù là kết hợp tôi cũng không ký. Mọi người duyệt dự án là việc của mọi người. Còn Sở Công thương thì không bao giờ đồng ý chuyển đổi. Từ các khu công nghiệp đến khu thương mại đều không ký cho chuyển thành nhà ở. Không thể bắt ép hạ tầng xã hội được.
Vậy, sau dự thất bại của việc chuyển đổi 3 cái chợ như ông nói, ông có thể khẳng định rằng tất cả những chợ khác của Hà Nội khi chuyển đổi sẽ đảm bảo không dẫm lên các “vết xe đổ” đó?
Phải đảm bảo chứ. HĐND đã thông qua rồi, mục tiêu đã có rồi. Ai duyệt sai thì người ấy phải chịu trách nhiệm ngay lập tức. Mà đã gọi là chợ thì phải là Sở Công thương chịu trách nhiệm rồi. Có vấn đề gì, Giám đốc Sở Công thương phải chịu thôi.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo VnMedia)