Mới đưa vào sử dụng được 3 năm nhưng khu tái định cư Đền Lừ 2 (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã xuống cấp trầm trọng. Tường nứt, kính vỡ, rêu mốc phủ đầy... là tình trạng phổ biến ở nơi đây.
Mới đưa vào sử dụng được 3 năm nhưng khu tái định cư Đền Lừ 2 (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã xuống cấp trầm trọng. Tường nứt, kính vỡ, rêu mốc phủ đầy... là tình trạng phổ biến ở nơi đây.
Người dân thuộc khu tái định cư Đền Lừ 2 được hưởng chính sách mua nhà ưu đãi do bị thu hồi đất xây cầu Vĩnh Tuy. Toàn bộ khu có 5 tòa nhà, trong đó, nhà A3 là nơi bị xuống cấp nghiêm trọng nhất. Khách tới chơi không khỏi lo bị tường và gạch vữa rơi vào đầu. Mái hiên chắn kính vỡ, lở thành từng mảng lớn. Gạch ốp tường bao quanh khu nhà bị tróc từng mảng, ẩm mốc. Mặt tiền chung cư, cống rãnh bốc mùi, cỏ dại mọc đầy. Sân vui chơi chung sụt lún, gạch tróc từng mảng lớn, bậc tam cấp ngả nghiêng, nứt toác. Nền phòng chứa hệ thống vận hành điện trong khu nhà bị lún trầm trọng...
Ông Dương Văn Dũng, tổ trưởng khu nhà A3 cho biết, nền tầng 1 bị sụt lún làm cầu thang thoát hiểm bị tách hẳn ra khỏi toà nhà một khoảng trống nên không ai dám xuống vì sợ nguy hiểm. Không chỉ xuống cấp ở phía ngoài mà ngay phía trong toà nhà A3, gạch nền nhiều gia đình cũng bị bật tung do chất lượng công trình không đảm bảo.
Chưa hết, hệ thống nước cung cấp cho khu Đền Lừ 2 được gọi là "nước sạch" nhưng theo nhiều người dân, nguồn nước không đảm bảo. Nước chứa trong bể chỉ vài ngày là đổi màu khiến nhiều người dùng bị dị ứng, nổi mẩn đỏ. Anh Dương Ngọc Lương (phòng 704) bộc bạch: "Gia đình tôi phải lọc nước hai lần rồi đun sôi mới dám uống. Biết trước thế này, thà chúng tôi ở Vĩnh Tuy ăn nước giếng khoan còn hơn".
Trời mưa to, những gia đình ở tầng trên cùng còn phải lo chống dột. Bác Nguyễn Thị Chính (phòng 1513 nhà A2) kể: "Có những lúc mưa to, nhà có hai bà cháu, tôi phải vừa mang xô chậu để hứng vừa phải bế cháu nhỏ. Có hôm gió to, mưa giột nhiều, sợ cháu bị cảm, tôi còn phải xuống nhà dưới gửi cháu".
Ở khu A2, tình trạng có "khá" hơn, nhưng theo nhiều người dân, hệ thống điện hành lang chung quá yếu. Để khắc phục tình trạng này, mỗi gia đình đều phải tự sắm một chiếc đèn tích điện trước cửa. Ngoài ra, thang máy thường xuyên bị kẹt, lúc được lúc không. "Có hôm mất điện, nhiều người bị kẹt trong thang máy, bảo vệ phải kéo dây tời để đưa mọi người xuống", bác Chính nhớ lại.
Điều kiện sinh hoạt như vậy, nhưng mỗi tháng, các hộ dân ở đây vẫn phải mua nước với giá 2.800 đồng mỗi m3 và đóng tiền dịch vụ đầy đủ. "Nhưng khi điện, nước hỏng, nhiều gia đình vẫn phải tự thân vận động", một người dân bức xúc.
Ông Dũng cho biết đã nhiều lần nộp đơn lên xí nghiệp Quản lý dịch vụ và Khai thác khu đô thị (Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) trong suốt 2 năm qua nhưng chưa một lần được hồi âm. May mắn hơn ông Dũng, gia đình bác Chính cũng đã 5 lần nộp đơn lên Công ty quản lý phát triển nhà Hà Nội, nhưng gần đây đã được người của Công ty đến "thăm" nhà hai lần. Nhưng theo bác Chính thì: "Không hiểu bảo dưỡng kiểu gì mà đâu lại vào đó. Cứ mưa là nhà lại dột, hứng không kịp trở tay".
Trao đổi với phóng viên Đô thị, ông Nguyễn Huy Tuấn, tổ trưởng tổ quản lý khu Đền Lừ 2 cho biết, thời gian qua, ông nhận được nhiều đơn kiến nghị về bảo hành sửa chữa nhà của dân cư trong khu đến mức... không nhớ nổi. Vừa qua, đã có buổi họp liên ngành giữa cơ quan chức năng và kết luận từ 15/10 tới, 7 đơn vị thi công khu tái định cư Đền Lừ 2 sẽ bảo hành sửa chữa các khiếm khuyết của toàn khu. "Chúng tôi đã họp và thông báo cho tất cả dân trong khu được biết", ông Tuấn nhấn mạnh.
Đó là quyết định của Ban Quản lý, nhưng ông Dũng và nhiều người dân ở đây khẳng định, đã rất nhiều lần, đoàn thanh tra đến rồi lại đi mà không có động thái gì để sửa chữa, bảo dưỡng lại khu nhà. "Ngày 7/10 vừa qua, thanh tra có về kiểm tra sự xuống cấp tại khu Đền Lừ 2 nhưng chúng tôi hoàn toàn chưa hề biết về việc sửa chữa", ông Dũng bày tỏ.
Hoàng Lan