Dù đô thị Đà Nẵng có phát triển theo hướng nào thì cũng phải chú ý đến việc tôn tạo không gian công cộng, đừng đánh mất nó như nhiều đô thị khác.
Dù đô thị Đà Nẵng có phát triển theo hướng nào thì cũng phải chú ý đến việc tôn tạo không gian công cộng, đừng đánh mất nó như nhiều đô thị khác.
Hội thảo “Các ý tưởng xây dựng thành phố Đà Nẵng ngang tầm với các thành phố phát triển của khu vực ASEAN và châu Á” do chính quyền Đà Nẵng tổ chức đã “thu lượm” được khá nhiều ý kiến của giới quy hoạch kiến trúc, kinh tế và văn hóa.
Thành phố cảng biển và trung tâm của miền Trung
Theo ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, định hướng phát triển của Đà Nẵng đến năm 2020 sẽ trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tài chính ngân hàng, văn hóa thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật và công nghệ của miền Trung. Đồng thời, Đà Nẵng sẽ là một thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng của vùng, quốc gia và quốc tế.
Với định hướng đó, những năm gần đây, Đà Nẵng đã phát triển nhanh các đô thị mới từ 500-1.000 héc ta (Khuê Trung - Hòa Cường, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn...); sớm hình thành các khu công nghiệp theo hướng thân thiện môi trường (khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, khu công nghiệp Thọ Quang, Hòa Cầm, Liên Chiểu...); và gấp rút xây dựng mạng lưới cầu đường cùng rất nhiều dự án bất động sản.
Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, cho rằng hạ tầng đô thị Đà Nẵng đã tương đối đồng bộ nhưng để phát triển không gian đô thị Đà Nẵng theo hướng đô thị nén, phát triển theo chiều cao, và đa trung tâm thì cần phải thiết lập hệ thống giao thông công cộng, giao thông ngầm, giao thông khác mức (cầu vượt) và giao thông tĩnh (các bãi đậu xe). Vì vậy, tới đây, chính quyền Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh tiến độ một số công trình mang tính động lực như cảng Liên Chiểu, sân bay quốc tế, ga đường sắt mới...
Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận, để đô thị Đà Nẵng phát triển ngang tầm với các đô thị phát triển trong khu vực ASEAN và châu Á thì còn rất nhiều việc phải làm, trong đó, quy hoạch không gian đô thị hướng ra sông, ra biển để tạo không gian tốt cho kinh tế phát triển là hết sức cần thiết.
Đô thị Đà Nẵng hướng ra sông, ra biển như thế nào?
KTS. Trương Văn Quảng, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị nông thôn, Bộ Xây dựng, gợi ý: “Xây dựng Đà Nẵng thành đô thị nước và ánh sáng”. Theo đó, tổ chức không gian đô thị Đà Nẵng từ các yếu tố đặc trưng của tự nhiên như sông, hồ, biển, núi... nhưng yếu tố mặt nước là tư tưởng chủ đạo. “Sông Hàn là trục cảnh quan mặt nước chính với vịnh Đà Nẵng nhưng không bỏ qua bờ biển cảnh quan phía đông và các con sông Cu Đê, Cổ Cò... cũng như các hồ hiện có trong đô thị. Đó là nền tảng cho phát triển một đô thị nước ven biển”, ông Quảng nói.
Phát triển đô thị Đà Nẵng hướng ra biển Đông, theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, là phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Theo ông Nghĩa, trong khoảng hơn 10 năm tới, cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm vận chuyển hàng hóa của khu vực là khả dĩ; trong đó vị trí địa kinh tế của Đà Nẵng có nhiều thuận lợi về cảng biển. “Đã đến lúc khai thác “mặt tiền” biển Đông cho có hiệu quả”, ông Nghĩa nói.
Cũng trong mạch nghĩ về mặt tiền biển Đông nhưng KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đề xuất phát triển Đà Nẵng theo hướng trở thành một trung tâm du lịch. Vì vậy, theo ông Chính, Đà Nẵng cần (i) xây một trung tâm du thuyền quy mô lớn; (ii) xây đảo nhân tạo trong lòng vịnh Đà Nẵng kết hợp với một bảo tàng hoặc viện hải dương học; (iii) xây khu tổ hợp dịch vụ trên đỉnh núi Sơn Trà; (iv) xây đô thị trên cao trên sườn núi Sơn Trà; (v) sử dụng sân bay Chu Lai làm sân bay quốc tế.
Trong khi đó, KTS. Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng Đà Nẵng vẫn chưa trở thành điểm đến của các doanh nghiệp lớn. Theo ông Vạn: “Sức hấp dẫn của đô thị Đà Nẵng chưa có. Chín giờ đêm đường phố đã vắng tanh trong khi sức hấp dẫn của đô thị là thời gian “sống” của nó kéo dài trong ngày”.
Do đó, ông Vạn đưa ra ý tưởng biến Đà Nẵng thành một thành phố sự kiện (tổ chức các sự kiện lớn) để tạo điểm đến, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, Đà Nẵng cũng cần có tầm nhìn dài hạn hơn trong việc mở rộng bầu trời (sân bay, cảng biển) hướng đến một thành phố du lịch, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, đào tạo, tài chính... để từ đó tổ chức đường không thuận tiện cho các lĩnh vực này phát triển.
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng có ý tưởng muốn biến Đà Nẵng thành một thành phố du lịch và dịch vụ (trong đó có vận chuyển hàng hóa).Tuy nhiên, TS. Trần Du Lịch, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, cho rằng trong khoảng 10 năm tới người dân Đà Nẵng khó có thể giàu lên nhờ ngành này, mà để đô thị Đà nẵng phát triển thì cần phải đi bằng con đường công nghiệp công nghệ cao.
Còn TS. Lê Đăng Doanh thì cho rằng, Đà Nẵng không cần phải nghĩ ra cái gì đó mới mẻ để phát triển mà chỉ cần chọn những cái người ta đã làm thành công mà thực hiện. Tuy nhiên phải có một cơ chế thông thoáng để đạt được thành công nhanh hơn những thành phố đi trước. Vì vậy, Đà Nẵng phải trở thành một thành phố sống tốt với những tiêu chí rõ ràng về môi trường, hạ tầng kỹ thuật... “Triết lý phát triển đô thị của thế kỷ 21 là đô thị sống tốt. Vì vậy, Đà Nẵng phải tránh cho được vết xe ô nhiễm môi trường, nhà ống và xe hai bánh của Hà Nội và TPHCM”, ông Doanh nói.
Không gian công cộng cho một đô thị sống tốt
Nhưng ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đặt câu hỏi: “Sự khác biệt của đô thị Đà Nẵng là gì?”. Không ít ý kiến tại hội thảo cho rằng, nếu Đà Nẵng tôn tạo và bảo vệ được không gian công cộng thì sẽ tạo được sự khác biệt trong bộ mặt đô thị. KTS. Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng, cho rằng không gian công cộng của nhiều đô thị hiện nay đang bị đánh cắp. “Đà Nẵng nên tránh hiện tượng này”, ông nói.
Cũng vì nhiều không gian công cộng trong đô thị bị đánh cắp nên KTS. Phạm Tứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, đã đặt ra câu hỏi: “Chúng ta đang phát triển đô thị hay kinh doanh đô thị?”. Nhắc lại câu chuyện người dân ở Mũi Né, Bình Thuận không có đường để ra bờ biển, ông Trần Du Lịch khuyên rằng “Đà Nẵng đừng để như Mũi Né”. Ông Lịch cho rằng, vẫn có thể cho các nhà đầu tư làm ăn nhưng bờ biển phải là không gian cộng đồng - phải chừa lại không gian cộng đồng này cho người dân trong nước, vì đó là tài sản của quốc gia, của mọi người dân.
Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, hứa rằng không gian phục vụ công cộng của Đà Năng sẽ ngày càng phát triển; trong khi KTS. Nguyễn Tấn Vạn cảnh báo về hiện tượng kiến trúc thiếu bản sắc ở Đà Nẵng trước làn sóng quốc tế hóa. Tuy nhiên, theo GS. Hoàng Chương (nhà văn hóa), nếu Đà Nẵng biết sử dụng nhân tài thì sẽ khắc phục những khiếm khuyết hiện có để phát triển thành một đô thị “mà mọi người đều muốn đến đó sống”.
(Theo TBKTSG)