Theo quy định, chính quyền phường có trách nhiệm phải xác nhận đơn xin mua nhà thu nhập thấp sau khi đã có ý kiến của tổ trưởng tổ dân phố.
Theo quy định, chính quyền phường có trách nhiệm phải xác nhận đơn xin mua nhà thu nhập thấp sau khi đã có ý kiến của tổ trưởng tổ dân phố.
Trước một số vấn đề phát sinh sau khi thực hiện bán nhà cho người có thu nhập thấp CT1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông cũng như khi triển khai bán nhà tại một số dự án khác, ngày 18/3, thành phố Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho cán bộ của 154 phường trên địa bàn thành phố và 13 doanh nghiệp về công tác xác nhận đối tượng, hộ khẩu, tình trạng nhà ở của người mua đến khâu xét duyệt hồ sơ của chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết, trách nhiệm của phường khi xác nhận vào đơn của người dân là khẳng định điều kiện ở, cụ thể là chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng diện tích và điều kiện ở không đảm bảo.
Ngại trách nhiệm, phường "né" xác nhận
Theo quy định, chính quyền phường có trách nhiệm phải xác nhận đơn xin mua nhà thu nhập thấp sau khi đã có ý kiến của tổ trưởng tổ dân phố. Sau 3 ngày kể từ khi người dân nộp đơn, các phường phải xác nhận hồ sơ cho người dân có nhu cầu. Tuy nhiên, trên thực tế, việc người dân có nhà hay chưa, điều kiện ở thế nào (?) chính quyền phường khó mà khẳng định chắc chắn. Có người sở hữu vài ba căn nhà ở chỗ khác, nhưng tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì nhà ở lại rất chật chội hay thậm chí còn đang ở nhờ.
Chính quyền phường xác nhận vào đơn của dân thì phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, song không có đủ căn cứ nên nhiều phường e ngại, thậm chí né tránh. Rất nhiều trường hợp phường xác nhận nhưng chỉ xác nhận… chữ ký của tổ trưởng tổ dân phố hay xác nhận người nộp đơn có hộ khẩu thường trú tại địa bàn mà thôi.
Chính vì thế, nhiều người dân cho hay, xác nhận đơn là thủ tục vất vả nhất trong quá trình làm hồ sơ xin mua nhà. Chủ đầu tư của các dự án nhà ở thu nhập thấp Ngô Thì Nhậm, Kiến Hưng, Đặng Xá… đã phải trả lại rất nhiều hồ sơ vì xác nhận đơn không đúng yêu cầu. Ông Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng, đặt bút ký trách nhiệm rất lớn vì nếu xác nhận không đúng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính còn có thể bị truy tố.
Tại buổi tập huấn cho cán bộ, lãnh đạo của các phường, ông Chu Xuân Thưởng, cán bộ phường Thạch Bàn, quận Long Biên lý giải việc phường không dám xác nhận vì người dân tại các khu tập thể thì dễ chứng thực chỗ ở, còn tại các khu dân cư rất khó thẩm định. Chủ tịch một phường thuộc địa bàn quận Đống Đa cho biết, mỗi chủ đầu tư đưa ra một mẫu đơn khiến cấp phường lúng túng khi xác nhận chỗ ở.
Trước mắt, chỉ xét bán nhà theo hộ khẩu thường trú
Cũng chính bởi rất khó khăn trong việc xác định thực tế điều kiện nhà ở, sau khi thực hiện dự án thí điểm tại Ngô Thì Nhậm, các ngành chức năng đã kiến nghị và Thành phố chấp thuận chủ trương trước mắt chỉ xét duyện mua nhà cho các đối tượng có hộ khẩu thường trú, mặc dù theo quy định của Bộ Xây dựng kể cả người có hộ khẩu tạm trú cũng được xét duyệt mua nhà ở xã hội. Tại dự án Ngô Thì Nhậm đã phát hiện người tạm trú đã có nhà nơi khác song vẫn nộp đơn mua nhà thu nhập thấp.
Việc xác nhận các hộ dân có hộ khẩu thường trú sẽ dễ dàng hơn cho các phường vì tổ trưởng dân phố sẽ nắm chắc hộ đó có nhà tại địa bàn hay không, hoặc đang ở nơi khác. Về xác nhận điểm ưu tiên cho người có công, bà Trần Tuyết Lan, Trưởng phòng chính sách, Sở Lao động Thương binh Xã hội, cho biết nếu người dân đạt nhiều mức ưu tiên thì sẽ chấm điểm ưu tiên cao nhất với điều kiện những người này phải có hộ khẩu thường trú và chế độ cho người có công phải được di chuyển về Hà Nội rồi.
Theo quy định, người dân chỉ được làm một bộ hồ sơ. Phường chỉ xác nhận một đơn cho một hộ dân. Nếu đơn đã nộp cho một chủ đầu tư nhưng chưa được mua nhà thì hồ sơ được tiếp tục xét duyệt mua nhà tại dự án khác. Ông Nguyễn Quốc Tuấn khẳng định, không có chuyện một người gửi đơn ở nhiều dự án. Người dân hiện nay chưa nắm được thông tin dự án để đăng ký.
Thành phố đã đăng báo, giới thiệu tất cả dự án nhà thu nhập thấp để người dân lựa chọn dự án phù hợp với điều kiện của mình. Sau khi xét đơn, chủ đầu tư có trách nhiệm báo về Sở Xây dựng, tổng hợp nhu cầu, đối tượng. Sau đó hội đồng xét duyệt sẽ họp bàn, lựa chọn phương án tối ưu nhất cho cả doanh nghiệp và người dân. Vì với người ở quận Hoàn Kiếm thì mua nhà ở Đặng Xá, Gia Lâm tốt hơn là vào Hà Đông mua nhà của dự án Kiến Hưng, dự án Đặng Xá cách quận Hoàn Kiếm chỉ 7km - ông Tuấn nói.
(Theo KTĐT)