Tọa lạc ở những vị trí đắc địa của Hà Nội và TP HCM song phần lớn biệt thự công bị sử dụng sai mục đích và đang xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó, giá cho thuê, giá bán quá thấp khiến Nhà nước thất thu lớn.
Tọa lạc ở những vị trí đắc địa của Hà Nội và TP HCM song phần lớn biệt thự công bị sử dụng sai mục đích và đang xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó, giá cho thuê, giá bán quá thấp khiến Nhà nước thất thu lớn.
Theo quy định hiện hành, biệt thự được chia thành 4 hạng, hạng càng cao càng giá trị. Trong 611 biệt thự của Hà Nội, con số nhà biến dạng do bị cơi nới để phục vụ cho việc sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ chiếm tỷ lệ lớn. Biệt thự số 91 Tuệ Tĩnh mái ngói, trần vôi đang bị hư hỏng nặng. Biệt thự trên phố Quán Sứ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt bị cơi nới làm quán giải khát, nơi kinh doanh, cửa hàng, văn phòng giao dịch. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, 70% trường hợp cơi nới không có giấy phép xây dựng.
Biệt thự trên phố Trần Quốc Toản bị thấm dột, hỏng lớp trát trong và ngoài nhà, gây bong lở và ẩm mốc tường, ảnh hưởng đến kết cấu bên trong. Người dân gia cố lại dầm sàn bằng thép hình, vá lại những phần bị mối mọt, nhiều nơi còn lát gạch trực tiếp lên sàn gỗ. Một số biệt thự phần thoát nước mái, đường máng dẫn xuống cống thoát bị vỡ hoặc bị phá dỡ, rồi thay bằng ống nhựa, nhiều máng hứng nước bị dỡ bỏ để nước mưa chảy thẳng xuống sân hoặc sàn nhà.
Kinh phí đầu tư cho sửa chữa cải tạo chủ yếu lấy từ nguồn thu tiền nhà, nhưng giá cho thuê lại quá thấp chỉ đủ nộp khấu hao cơ bản và duy trì bộ máy quản lý nhà đất. Hiện giá cho thuê biệt thự khoảng 1.350 đồng/m2 mỗi tháng, song theo khảo sát của Cục Quản lý nhà Bộ Xây dựng, tiền thuê nhà chỉ thu được khoảng 70-80%. "Có những nơi tiền thuê nhà thu trong 10 năm chỉ đủ để quét vôi một lần. Không sửa chữa nhà thì người sử dụng không nộp tiền thuê nhà, không thu được tiền nhà thì không có kinh phí sửa chữa", một cán bộ bình luận.
Tình trạng tự do chuyển nhượng hợp đồng cho thuê nhà không thông qua cơ quan quản lý cũng rất phổ biến Riêng Hà Nội còn tồn khoảng 10.000 trường hợp chuyển đổi hợp đồng chưa đăng ký với cơ quan quản lý của thành phố.
Vừa bán vừa cho
Ngoài những biệt thự công vụ, không được phép hóa giá, người dân được phép mua biệt thự theo Nghị định 61. Giá bán được xác định dựa trên giá trị còn lại của biệt thự, cụ thể bằng giá biệt thự (đồng/m2 sử dụng) x diện tích sử dụng x chất lượng còn lại của biệt thự. Trong đó giá biệt thự phụ thuộc vào hạng biệt thự. Giá bán là giá nhà cộng thêm giá đất của biệt thự.
Một quan chức Cục Quản lý nhà Bộ Xây dựng cho hay, việc xác định giá biệt thự gặp nhiều khó khăn do cách phân hạng chưa rõ ràng và việc xác định chất lượng còn lại quá phức tạp. Ông phân tích, việc phân hạng căn cứ vào tình trạng lúc xây dựng, nhưng do nhiều biệt thự không có hồ sơ, qua thời gian hầu hết đã bị xuống cấp, nên việc xác định hạng để định giá nhiều khi không chính xác. Chất lượng còn lại của biệt thự cũng được xác định rất thấp, hầu hết dưới 60%, nhằm mục đích "rẻ hóa" nhà.
Trường hợp xin mua nhà công vụ của ông Nghiên, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội, là một ví dụ. Biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa rộng hàng trăm mét vuông có giá thị trường tới hàng triệu đôla, song lại được định giá chưa tới 1 tỷ đồng.
Ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội nhận xét, việc sử dụng quỹ nhà biệt thự như hiện nay là thiếu hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội. Về mặt kinh tế, tiền cho thuê nhà hiện không đủ chi phí cho công tác quản lý, duy tu, sửa chữa nhà biệt thự, làm cho quỹ nhà này ngày càng giảm sút về chất lượng, nhà nước lại thất thu. Về mặt xã hội, do sử dụng không hợp lý nên dẫn tới tranh chấp khiếu kiện phức tạp.
(Theo VnExpress)