Nội dung Quyết định số 48/QĐ-HĐND nêu rõ, HĐND TP. Hà Nội sẽ thành lập Đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND TP về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020; việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về kiểm toán chương trình nhà ở xã hội tại quận Cầu Giấy, Hà Đông và Bắc Từ Liêm trong những năm 2015-2017.
Nhiệm vụ của Đoàn giám sát là giám sát trực tiếp tại Sở Xây dựng, xem xét báo cáo của các sở ngành liên quan; đồng thời thực hiện khảo sát thực tế một số dự án trên địa bàn TP. Theo dự kiến, từ ngày 23/8 tới ngày 30/8/2019, Đoàn sẽ giám sát trực tiếp tại các đơn vị.
Được biết, việc giám sát nhằm mục đích "đánh giá việc chấp hành thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở thành phố (giai đoạn 2016-2020); việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về kiểm toán Chương trình nhà ở xã hội quận Hà Đông, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm (giai đoạn 2015-2017), đánh giá những kết quả đạt được, làm rõ hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức liên quan. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị những giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả chính sách, pháp luật về nhà ở trên địa bàn thành phố trong thời gian tới".
|
Các quận Bắc Từ Liêm, Hà Đông và Cầu Giấy (TP. Hà Nội) đều nằm trong danh sách kiểm toán chương trình nhà ở xã hội. |
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP. Hà Nội cho hay, từ năm 2016 tới hết tháng 3 năm nay, TP có tổng cộng 147 dự án nhà ở thương mại với tổng diện tích khoảng 14.196m2 đã được quyết định chủ trương đầu tư. Tổng vốn đầu tư những dự án này vào khoảng 390.788 tỷ đồng. Cùng với đó là 11 dự án nhà tái định cư có tổng vốn khoảng 19.523 tỷ đồng, quy mô khoảng 219.169m2 đất. Ngoài ra, TP còn có 13 dự án nhà ở xã hội quy mô khoảng 526.645m2 với tổng vốn đầu tư 36.041 tỷ đồng.
Trên địa bàn TP. Hà Nội có nhiều khu nhà ở, khu đô thị chưa được xây dựng đồng bộ; so với tiến độ trong quy hoạch chậm xây nhà trẻ, trường học. Đó là những dự án như Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, Khu nhà ở Đài phát thanh phát sóng Mễ Trì, Khu đô thị mới Việt Hưng; Khu đô thị mới Phùng Khoang; Khu đô thị Đặng Xá; Khu đô thị Xuân Phương - Viglacera; Khu nhà ở Thạch Bàn; Khu đô thị Thành phố giao lưu; Khu nhà ở để bán Quang Minh - Vinaconex2; Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh; Khu đô thị Lê Trọng Tấn - Geleximco; Khu đô thị Đoàn Ngoại giao; Khu nhà ở và công trình công cộng tại xã Cổ Nhuế...
Tại các quận trung tâm, một số dự án khu đô thị đã được chủ đầu tư chuyển nhượng lại hạng mục trường học trong dự án cho nhà đầu tư thứ cấp. Điều đáng nói là, khi nhà đầu tư thứ cấp chậm triển khai xây dựng công trình, chủ dự án không đôn đốc kịp thời nhằm đảm bảo tiến độ chung. Dự án điển hình cho tình trạng này là Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp có 6 lô đất quy hoạch trường học, gồm 1 lô xây trường THPT, 1 lô đất trường THCS, 1 lô đất trường tiểu học và 3 lô đất trường mầm non. Trong đó, lô đất xây trường THPT vướng nghĩa trang thôn Văn Điển.
Tại Khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên), Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị thuộc Bộ Xây dựng (HUD) đã chuyển giao 5 lô đất trường học cho nhà đầu tư cấp 2, tuy nhiên mới chỉ có một trường học đã xây dựng hoàn thiện.
Tương tự, tại Khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm (Hoàng Mai) mới có một trường tiểu học xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Trong khi đó, theo quy hoạch, dự án này có 6 ô đất xây trường học. HUD đã chuyển nhượng hạ tầng 2 ô đất (NT1, TH1) trong số 5 ô đất còn lại cho nhà đầu tư thứ phát song công trình vẫn chưa được xây dựng; đang điều chỉnh quy hoạch 2 ô đất (NT2, HT2) và 1 ô đất (TH4) đang gặp vướng mắc, chưa hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng.