Trước tình trạng
xe khách, xe tải, xe container… gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên
các tuyến quốc lộ, dư luận cho rằng, công tác đào tạo, đặc biệt là đạo
đức, ý thức của người lái xe và chủ xe đang “có vấn đề”.
>
Vụ tai nạn GT thảm khốc ở Bình Thuận qua lời kể các nhân chứng
>
Những tiếng kêu cứu não lòng trong vụ tại nạn thảm khốc ở Bình Thuận
>
Bình Thuận: TNGT thảm khốc, ít nhất 10 người chết, hàng chục người bị thương
Trước tình trạng xe khách, xe tải, xe container… gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên các tuyến quốc lộ, dư luận cho rằng, công tác đào tạo, đặc biệt là đạo đức, ý thức của người lái xe và chủ xe đang “có vấn đề”.
PV đã có cuộc trao đổi với thượng tá Trần Sơn - Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra xử lý án TNGT đường bộ - đường sắt - Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ CA) xung quanh những bất cập, nguyên nhân dẫn tới tai nạn.
Thưa thượng tá, có nhiều ý kiến cho rằng, thời gian xảy ra tai nạn thường vào thời điểm không có lực lượng CSGT cắm chốt, tuần tra kiểm soát. Thượng tá nhận xét sao về những ý kiến này?
- Tôi hoàn toàn không đồng ý với ý kiến này. Bởi lẽ bản thân người lái xe khi ngồi sau vôlăng đều phải có đạo đức của người lái xe. Tiếp đến là trách nhiệm với bản thân, với người thân của mình và với mọi người trong xã hội. Do đó, không thể đổi cho rằng, không có bóng dáng của lực lượng chức năng là anh có thể phóng nhanh, vượt ẩu nhằm đối phó xem CSGT cắm chốt ở đâu, bắn tốc độ đoạn nào để báo cho nhau đối phó.
Thưa thượng tá, đâu là nguyên nhân chính?
- Nguyên nhân trực tiếp đều do người điều khiển xe. Đó là chạy quá tốc độ, đi sai phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách với xe chạy liền trước, xe không đảm bảo kỹ - mỹ thuật vẫn lưu hành, lái xe chưa đủ tuổi, không có GPLX hoặc có nhưng không phù hợp với xe điều khiển, không đủ sức khỏe...
Còn nguyên nhân do lợi nhuận kinh tế mà chủ xe áp đặt chỉ thuê một lái xe hoặc có phụ lái nhưng không có GPLX hoặc có nhưng GPLX không phù hợp với xe đang lái?
- Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Bởi lẽ luật đã quy định rõ, lái xe không được phép lái quá 4 tiếng trong một ca và 10 tiếng trong một ngày, nhưng thực tế nhiều chủ xe chỉ thuê một lái xe hoặc có phụ lái nhưng không có GPLX hoặc lái xe không phù hợp với xe nhưng vẫn cho điều khiển.
Dẫn tới lái xe ngủ gật, lái xe chịu sức ép từ chủ về lợi nhuận kinh tế, thậm chí ép doanh thu, bắt lái xe tranh giành khách nên vượt ẩu, quay vòng chuyến... khiến TNGT xảy ra.
Thưa thượng tá, sau hàng loạt những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên các quốc lộ, phải chăng chất lượng đào tạo lái xe “có vấn đề”?
- Chúng ta chưa có kết quả thanh tra cụ thể việc đào tạo của các cơ sở đào tạo lái xe nên chưa đưa ra kết luận. Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ. Các hành vi bị nghiêm cấm, hành vi điều khiển xe cơ giới không có GPLX theo quy định hoặc giao xe chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển; điều khiển xe quá tốc độ, giành đường, vượt ẩu; điều khiển xe không đảm bảo kỹ thuật an toàn, kỹ thuật về bảo vệ môi trường, tham gia giao thông đường bộ không đảm bảo TTATGT... là vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Trước những vụ TNGT thảm khốc, đặc biệt khi cuối năm lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn, Cục CSGT có phương án gì nhằm hạn chế thấp nhất số vụ, số người chết, bị thương do TNGT?
- Nhằm đảm bảo TTATGT từ nay tới cuối năm, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán 2012 - cục đã và sẽ tăng cường lực lượng cho CA các địa phương trên các tuyến quốc lộ nhằm tập trung xử lý các đối tượng môtô, đặc biệt là xe tải, xe khách, xe container vi phạm...
- Xin cảm ơn thượng tá!
(Theo Lao Động)