Buộc tất cả mọi giao dịch phải qua sàn là cứng nhắc, cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản chưa rõ, vai trò quản lý nhà nước mơ hồ...
Buộc tất cả mọi giao dịch phải qua sàn là cứng nhắc, cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản chưa rõ, vai trò quản lý nhà nước mơ hồ...
Đó là những lý do khiến nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị chưa vội thông qua Dự luật Kinh doanh bất động sản tại kỳ họp này. Luật quy định các tổ chức cá nhân kinh doanh bất động sản phải thực hiện việc kinh doanh tại sàn giao dịch để bảo đảm sự minh bạch, công khai, làm lành mạnh thị trường. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa, thực tế có nhiều hình thức kinh doanh không nhất thiết phải qua sàn mà vẫn đảm bảo công khai. Chẳng hạn, một công ty xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, có thể đăng báo hoặc trương biển quảng cáo, không thể không cho họ làm.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nhận xét, với nội dung như dự thảo Chính phủ trình Quốc hội, không những thị trường bất động sản không tan băng mà có khi còn trì trệ hơn. Ông Cường tỏ ra lo ngại khi cho phép các nhà đầu tư huy động vốn trên giấy quá dễ dàng. "Dự luật tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tận dụng vốn trong nước, đơn cử như tại khu đô thị Ciputra, hay tới đây là khu Tây Hồ Tây, toàn dân mình góp tiền cho họ làm dự án". Theo ông Cường, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện chỉ mang danh, thực chất dự án họ đang tiến hành là của nhà đầu tư nước ngoài, ở nhiều tổng công ty khi bị cơ quan kiểm toán rờ tới mới phát hiện toàn "tay không bắt giặc".
Quy định môi giới nhà đất phải có chứng chỉ hành nghề có khá nhiều ý kiến thảo luận. Theo dự luật, UBND cấp tỉnh tổ chức cấp chứng chỉ. Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân, chưa rõ cơ sở nào để chứng tỏ cấp tỉnh làm đúng, điều kiện của cán bộ chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ cũng chưa có khi bản thân những người nàykhông qua đào tạo về môi giới bất động sản. Ông Trân còn đề nghị làm rõ thêm vai trò của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường trong dự luật, thay vì chỉ nhắc đến vai trò quản lý của Bộ Xây dựng như hiện nay.
Phát biểu gần cuối buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào đề nghị: "Dự luật còn rất nhiều khúc mắc. Quốc hội cần xem xét kỹ, không nên vội vàng bấm nút phê duyệt".
(Theo VnExpress)