Luật Đất đai nước ta đã sửa 4 lần trong vòng 20 năm qua. Điều này khiến nhiều người nước ngoài e ngại rằng liệu 5-7 năm nữa, luật hiện tại có thay đổi hay không. Điều này dẫn đến sự do dự trong quyết định mua nhà tại Việt Nam, theo quan điểm của Phó Chủ tịch Cengroup.
Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện nay, có khoảng 500 người nước ngoài
mua được nhà ở Việt Nam
Bàn về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Cengroup bày tỏ, chúng ta hay nói vì BĐS Việt Nam rẻ nhưng rẻ không phải là nguyên nhân thu hút người nước ngoài đầu tư bởi rẻ đôi khi lại thành không có giá trị. Vì thế, nếu có giá trị thì đắt cũng hấp dẫn người mua.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 4,5 triệu kiều bào đang ở nước ngoài, mỗi năm, những kiều bào này chuyển về nước khoảng vài tỷ đô, trong đó dành đến 21,5% kiều hối vào BĐS. Hiện cũng có khoảng 100.000 người nước ngoài đang sống ở Việt Nam, sẽ có ít nhất một nửa số này, tức khoảng 50.000 người có nhu cầu mua nhà.
Ông Hưng cũng cho biết thêm, sau 5 năm quy định có hiệu lực, hiện có khoảng 200 người nước ngoài mua được nhà chủ yếu nhờ kết hôn với người Việt Nam. Các đối tượng khác như chuyên gia cao cấp hay định cư dài hạn thì rất hiếm.
Luật Đất đai của chúng ta được sửa 4 lần trong 20 năm qua. Do vậy, người nước ngoài lo ngại rằng chắc 5-7 năm nữa, luật hiện tại sẽ lại thay đổi nên nhiều người nước ngoài vẫn đang quan sát những sự thay đổi này và chờ đợi là đánh giá của ông Hưng.
Hơn nữa, hiện nay, luật pháp đang có sự khác biệt về quyền sở hữu của người nước ngoài so với người Việt Nam. Cụ thể, người nước ngoài chỉ được sở hữu có thời hạn 50 năm nhưng không nêu rõ sở hữu 50 năm khi hết thời gian đó thì có được chuyển nhượng hay không hay trong thời gian 50 năm, nếu chuyển nhượng thì có được cấp lại thời hạn 50 năm hay không? Trường hợp người được thừa kế căn nhà đó thì có được xin cấp sở hữu mới trong 50 năm hay không….?
Hiện vẫn, chưa có danh mục quy định chỗ nào không được bán cho người nước ngoài. Do đó, nếu có khách nước ngoài hỏi mua thì doanh nghiệp cũng ngại chuyện thủ tục. Nhiều doanh nghiệp còn phải từ chối khách nước ngoài vì bán cho người trong nước thủ tục đơn giản hơn nhiều.
Ông Hưng cho biết, dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều hướng dẫn nhưng việc chuyển tiền vẫn là vấn đề người nước ngoài quan tâm bởi ngân hàng thương mại vẫn chưa sẵn sàng cho việc này.
Theo ông Hưng, chuyển tiền vào Việt Nam đã khó, nhưng chuyển ra lại khiến người ta băn khoăn hơn nếu người ta bán nhà để chuyển ra nước ngoài. Thực tế, việc nộp thuế đầy đủ rồi nhưng việc chuyển đi lại không dễ dàng. Khi luật không cho phép người Việt Nam chuyển tiền ra nước ngoài để mua nhà thì cũng không thể bắt người nước ngoài chuyển tiền vào Việt Nam mua nhà.
Sau khi Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7/2015, cùng với các nghị định, thông tư được ban hành được khoảng 9 tháng, theo thống kê mới nhất, mới có khoảng 500 người nước ngoài mua được nhà ở Việt Nam. Nếu so với con số 200 người nước ngoài mua được nhà trước đây thì con số 500 này có cao hơn, nhưng nếu kỳ vọng 50.000 người nước ngoài mua được nhà ở Việt Nam thì có vẻ còn rất xa vời, theo ý kiến của ông Hưng.