Mặc dù các vết nứt trên mặt cầu Thuận Phước (Đà Nẵng) đã xuất hiện hơn 2 năm nay, nhưng việc khắc phục cho đến nay chủ yếu là đục và vá.
Mặc dù các vết nứt trên bản mặt cầu Thuận Phước (Đà Nẵng) đã xuất hiện hơn 2 năm nay, nhưng việc khắc phục cho đến nay chủ yếu là đục và vá. Trong khi đó, xe tải vô tư qua cầu, bất chấp biển cấm và nhân viên trạm gác.
Nứt đâu thì vá đấy
Sau gần 2 năm chịu cảnh sống chung với các vết nứt trên lớp phủ mặt cầu Thuận Phước cùng tình trạng giật cục mỗi khi lưu thông, sáng ngày 5/6, người dân Đà Nẵng và du khách tiếp tục chứng kiến công nhân đào đục các điểm nứt, ổ gà trên cầu Thuận Phước (Đà Nẵng) rất phản cảm.
Các vết nứt xuất hiện ở lớp phủ mặt cầu của phần nhịp chính cầu Thuận Phước (phần nhịp dây võng), lớp mặt cầu xuất hiện hàng loạt gợn sóng và “sóng lưng trâu” ngay 2 vệt xe giữa cầu suốt chiều dài nhịp. Rất nhiều khe nứt đã bị mở rộng thành ổ gà. Tình trạng này khiến mặt cầu gồ ghề, ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông, đi lại của người dân.
Tuy nhiên, các đơn vị chức năng chưa có biện pháp tổng quan nào để khắc phục tình trạng này. Hiện tại, cứ chỗ nào nứt, thủng thì công nhân sẽ đến vá lại.
Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở Giao thông công chính Đà Nẵng cho biết, sự cố trên đang được sửa chữa và theo dõi để có biện pháp xử lý triệt để. Đơn vị tư vấn công nghệ vẫn đang tiếp tục bảo hành. Do là công nghệ mới nên việc sửa chữa nằm trong quy trình theo dõi và khắc phục hiện tượng.
Bất chấp biển cấm, xe tải vẫn vô tư qua cầu
Trong khi các vết nứt trên bản mặt cầu Thuận Phước tiếp tục xuất hiện, biện pháp khắc phục chủ yếu là đục và vá thì hàng ngày, cầu Thuận Phước phải gánh chịu tình trạng xe tải bất chấp biển cấm lưu thông qua cầu.
Ghi nhận của PV tại điểm gác đầu cầu Thuận Phước sáng ngày 11/6, mặc dù có nhân viên chốt chặn, nhưng hàng đoàn xe tải vẫn liên tiếp nối đuôi nhau qua cầu, góp phần phá nát lớp phủ mặt cầu đã hư hỏng.
Ông Phan Văn Thắng, người dân địa phương thường xuyên đi lại, hóng mát tại đầu phía tây cầu Thuận Phước cho biết: “Có nhân viên cũng như không có nhân viên, xe tải vô tư nối đuôi nhau qua cầu như chỗ không người. Còn lớp phủ mặt cầu thì hơn 2 năm nay rồi, vẫn vậy. Nứt toác, lồi lõm, sóng trâu…”.
“Cơ quan chức năng phải làm thế nào chứ cây cầu đẹp như vậy mà mặt cầu thì nát bươm như đường miền núi, thật phản cảm và phí phạm”, bác Thắng ngán ngẩm.
Cầu Thuận Phước được thiết kế và thi công theo công nghệ cầu treo dây võng bắc qua cửa biển đoạn cuối sông Hàn với tổng chiều dài 1.855m, toàn dự án là 2.119m. Đây là cây cầu dây võng lớn nhất Việt Nam, được thiết kế với quy mô cầu lớn với bề rộng 18m cho 4 làn xe lưu thông, tải trọng 13 tấn... với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Cầu Thuận Phước được đưa vào sử dụng từ tháng 7/2009, nhưng chỉ sau một năm, cây cầu này đã xuất hiện các vết nứt, lồi lõm trên lớp phủ măt cầu và cho đến nay các vết nứt vẫn hiện hữu.