Với 429/ 461 đại biểu bỏ phiếu thuận, sáng 18/6, Quốc hội đã thông qua dự án luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai.
Với 429/ 461 đại biểu bỏ phiếu thuận, sáng 18/6, Quốc hội đã thông qua dự án luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai.
Theo quy định tại luật này, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có Quốc tịch Việt Nam và một số đối tượng người gốc Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.
Các đối tượng người gốc Việt Nam bao gồm: người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.
Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng trên đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Cụ thể được chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để ở; tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho Nhà nước, cộng đồng dân cư, tặng cho nhà tình nghĩa.
Trường hợp tặng cho, để thừa kế cho đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.
Việt kiều sở hữu nhà ở tại Việt Nam cũng có quyền thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật Việt Nam; được cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian không sử dụng.
Liên quan đến những lo ngại của các vị đại biểu khi thảo luận về dự luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, việc hạn chế lợi dụng chính sách để đầu cơ, mua đi bán lại kiếm lời sẽ được điều chỉnh bằng các quy định về chính sách thuế và giao dịch bất động sản. Hơn nữa, ngay trong dự thảo luật đã ghi rõ mục đích là “để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam” là nhằm để cho người sở hữu nhà ở có ý thức rõ về mục đích sử dụng và để Chính phủ phải có các quy định cụ thể các điều kiện ràng buộc khi không có nhu cầu để ở, cần chuyển nhượng, cho thuê nhằm hạn chế việc sử dụng nhà không đúng mục đích.
Về đề nghị phải quy định độ tuổi người được sở hữu nhà, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, theo quy định của Bộ luật Dân sự thì quyền sở hữu tài sản của cá nhân thuộc về năng lực pháp luật dân sự của cá nhân nên không bị hạn chế vào độ tuổi, dân tộc, giới tính. Do đó, luật không quy định cụ thể độ tuổi có quyền sở hữu nhà ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Việc chứng minh nguồn tiền để mua nhà và phòng, chống rửa tiền đã được pháp luật có liên quan điều chỉnh nên cũng không quy định tại dự thảo luật.
Từ ngày 1/9/2009, luật này sẽ có hiệu lực. Dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật này đã được Chính phủ chuẩn bị cùng với dự án luật và hiện nay đang tiếp tục hoàn thiện theo ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội.
(Theo TBKT)