Trong khi hàng trăm cảnh sát cùng các lực lượng hối hả tìm kiếm tung tích người mất tích thì toàn bộ hồ sơ khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu các hạng mục cầu Cần Thơ đã được chuyển gấp về Hà Nội. Câu trả lời chính xác về nguyên nhân sập cầu sẽ được đưa ra trong vài ngày tới.
Trong khi hàng trăm cảnh sát cùng các lực lượng hối hả tìm kiếm tung tích người mất tích thì toàn bộ hồ sơ khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu các hạng mục cầu Cần Thơ đã được chuyển gấp về Hà Nội. Câu trả lời chính xác về nguyên nhân sập cầu sẽ được đưa ra trong vài ngày tới.
Ông Trần Chủng, Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, cho biết, nguyên nhân sơ bộ dẫn đến sập cầu là nền đất bị lún khiến giàn giáo chống đỡ bị sập do vậy, khâu khảo sát nền đất cũng được các chuyên gia của Cục giám định đặc biệt chú ý. Ngoài ra, các khâu khác như biện pháp thi công, vật liệu sử dụng, khâu giám định cũng sẽ được mổ xẻ.
"Tại hiện trường, các cọc khoan nhồi chắc chắn, trục đỡ tạm cũng được khoan máy sâu hàng chục mét, không phải là giàn giáo thông thường ở các công trình xây dựng như nhiều người đưa ra", ông Chủng khẳng định.
Theo Trung tướng Phạm Nam Tào, Phó tổng cục trưởng Cảnh sát đã cử đoàn cán bộ Viện khoa học kỹ thuật hình sự phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Long, Công an Cần Thơ tiến hành khám nghiệm hiện trường. Dự kiến công tác này sẽ hoàn thành trong vài ngày tới. "Hiện, chúng tôi chưa thể nói điều gì về nguyên nhân", Trung tướng Tào nói.
Khi có kết quả khám nghiệm, Tổng cục cảnh sát sẽ mời các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia có uy tín, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học xây dựng công trình giao thông đánh giá, kết luận nguyên nhân gây ra sự cố. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật cơ quan công an sẽ tiến hành khởi tố điều tra vụ án theo quy định của pháp luật.
Hiện, trên 200 cán bộ, chiến sĩ của Tổng cục Cảnh sát được huy động cùng các lực lượng khác tập trung tìm kiếm những người bị nạn, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ hiện trường.
Lỗi khi thi công giàn giáo
Nhận định về nguyên nhân lún sụt giàn giáo, ông Chu Ngọc Sủng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, cho rằng, có thể tại một điểm kê nào đó của giàn giáo bị nghiêng, sập xuống kéo theo cả một đoạn giàn giáo gãy sập. Trong trường hợp này còn bị kéo theo hỏng thân trụ cầu.
Theo phán đoán của ông Sủng, đây là lỗi do bên thi công bắc giàn giáo không cẩn thận. Các sự cố này cũng xảy ra trong các công trình xây dựng nhưng rất hãn hữu. Có trường hợp đất dưới móng yếu hoặc thanh kê không đủ lớn bị oằn (từ chuyên môn gọi là mất ổn định) cũng gây sập. Có thể không sập ngay khi đổ bê tông nhưng sẽ dẫn đến việc bị sập.
PGS.TS Đào Xuân Lâm, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI), cho rằng, sự cố ở cầu Cần Thơ có lẽ do nhà thầu không để ý đến độ lún của giàn giáo trong khi đất ở đây rất yếu.
Có thể nhà thầu, tư vấn giám sát theo dõi không kỹ nên để lún. Nếu lún mà bê tông đúc dầm chưa cứng thành một khối thì sẽ gây đổ sập. Trường hợp đúc sẵn thành từng phiến để làm dầm thì sẽ nhẹ và dễ lắp hơn, lắp đúng kỹ thuật thì không có vấn đề.
Theo ông Lâm, giàn giáo phải có móng riêng. Đất yếu thì móng sâu, tốn kém hơn, có thể vẫn lún nhưng vẫn chịu lực được. Nếu độ cao 30m có thể giàn giáo lún vài chục phân. Nhưng với giàn giáo tốt chỉ lún 1-2 phân.
Một số công nhân thi công đoạn dầm bị sập hôm nay cho rằng, việc thiết kế 3 nhịp B13, 14, 15 có vấn đề. Trụ 13, 15 được khoan ở mức 75 m cho phép, còn trụ 14 mới chỉ khoan ở mức 68 m vì vướng đá. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến sập dàn giáo. Ông Nguyễn Ngọc Long, Cục trưởng Cục giám định chất lượng công trình giao thông từ chối bình luận thông tin này. |
(Theo VnExpress)