Theo tính toán ban đầu, thiệt hại về vật chất liên quan trực tiếp tới phần bị sập của cầu Cần Thơ vào khoảng 40 tỷ đồng. Nhiều giả thiết đang được đặt ra để làm rõ nguyên nhân sự cố, song chịu trách nhiệm lớn nhất là nhà thầu chính.
Theo tính toán ban đầu, thiệt hại về vật chất liên quan trực tiếp tới phần bị sập của cầu Cần Thơ vào khoảng 40 tỷ đồng. Nhiều giả thiết đang được đặt ra để làm rõ nguyên nhân sự cố, song chịu trách nhiệm lớn nhất là nhà thầu chính.
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI) Bùi Vạn Thuận cho biết, sau khi có kết luận của giám định quốc tế về nguyên nhân và trách nhiệm của các bên liên quan tới sự cố, nếu thiệt hại thuộc phạm vi được bảo hiểm, tổng công ty sẽ nhanh chóng giải quyết thủ tục bồi thường và có thể ứng ngay 50% bằng tiền mặt cho khách hàng.
Toàn bộ dự án cầu Cần Thơ với tổng vốn đầu tư lên tới gần 5.000 tỷ đồng gồm 3 gói thầu. Trong đó, gói thầu 2 do liên doanh 3 nhà thầu Nhật Bản là Taisei, Kajima và Nippon Steel đảm nhận, gồm các hạng mục chính như cầu dẫn hai bờ, cầu chính kết cấu dây văng và cầu vượt nhánh sông Hậu. Tổng chiều dài cầu chính là 2,75 km.
Đoạn dầm cầu bị sập thuộc cầu dẫn ở phía bờ Vĩnh Long bắc qua trụ 13, 14, 15, dài gần 90 m, vừa được đổ bê tông hôm trước, 25/9.
Trực tiếp thi công các nhịp 13-14 là nhà thầu quốc tế VSL (thầu phụ của Taisei), chịu trách nhiệm gia cường cho kết cấu bê tông của công trình. Ông Lê Huy Minh, người trực tiếp chỉ huy trên công trường, cho hay, theo hiện trường, trụ tạm chịu lực phần giữa nhịp bị sập, toàn bộ hai nhịp bị kéo xuống theo hình chữ V. Hệ thống trụ tạm này do nhà thầu chính là Taisei cung cấp, được gia công thêm bằng thép chữ H.
Ông Minh xác nhận trước khi dựng trụ tạm, chất lượng dàn đỡ đã được kiểm tra. Cũng theo ông Minh, khối lượng bê tông đổ tại hai nhịp 13-14 khi xảy ra sự cố là 2.000 m3, chưa kể thép. Đáng chú ý, khi xảy ra sự cố, chỉ một phần bê tông trên cầu đã khô hẳn.
Một số người có mặt tại hiện trường phỏng đoán trụ tạm sập do nền đất yếu, vì vài ngày trước khi đổ bê tông đều có mưa to. Số khác cho rằng, có thể có chấn động địa chất, song ông Minh khẳng định, khi xảy ra sự cố, ông ở cách công trường 200 m và không nhận thấy có chấn động nào. Cũng có nguồn tin cho hay bu-lông chịu tải chính của dàn giáo đã bị gãy.
Một kỹ sư giám sát của Taisei cho biết sự cố sẽ không xảy ra nếu đã kéo được cáp nối, phần chịu lực chính cho khối bê tông. Theo quy định 3 ngày sau khi đổ bê tông cáp sẽ được kéo, song sự cố xảy ra khi bê tông vừa đổ được một ngày. Để chuẩn bị cho việc đổ bê tông ở các nhịp cầu kể trên, các bên thi công phải mất tới hơn 3 tháng.
Trao đổi với báo giới sáng nay, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết có dấu hiệu lún dàn giáo. "Nếu thực tế công trình bị nứt thì nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm", ông Dũng nói.
Một nguồn tin cho hay, sáng qua, ngay sau khi biết tin về sự cố, ông Hatano, quan chức cao cấp phụ trách các dự án của Taisei ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đã bay từ Hà Nội vào Cần Thơ để tìm hiểu sự việc và quyết định biện pháp xử lý, khắc phục sự cố. Cùng đoàn đi còn có một lãnh đạo phụ trách về vấn đề tài chính của công ty.
Tuy nhiên, lúc 11h trưa nay, ông Hatano cho biết ông đang ở Singapore, chiều nay mới về TP HCM, sau đó vào Cần Thơ. Trưởng đại diện Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JBIC, đơn vị thu xếp vốn cho dự án cầu Cần Thơ hôm qua đã vào Cần Thơ. Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội cũng cử người vào hiện trường để tìm hiểu tình hình.
(Theo VnExpress)