So với thu nhập trung bình của người lao động, giá nhà tại TP.HCM hiện vẫn quá cao, vượt quá khả năng chi trả họ. Do đó, không ít người trẻ nơi đây phải vất vả xoay trở mới có thể tìm được chốn an cư.
Giờ làm của ông Tấn Phát kết thúc sau 18h. Khi đó, ông sẽ chạy xe máy 10 cây số từ trung tâm quận 1 về phòng trọ ở ngã tư Gò Mây (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM) để cùng vợ lo cho 2 con nhỏ.
Ngoài giờ làm hành chính trên công ty, vợ ông Phát còn bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Vợ chồng ông Phát đang cố gắng để dư ra một ít, tích cóp mua căn chung cư nhỏ cho các con có chỗ ở đàng hoàng.
|
Người dân đang tìm hiểu một dự án căn hộ chung cư tại TP.HCM. (Ảnh: Quang Định) |
Tằn tiện chi tiêu vẫn chưa dám nghĩ tới mua nhà
Vợ ông Phát làm tiếp tân còn ông là công nhân kỹ thuật của một doanh nghiệp có trụ sở tại quận 1, TP.HCM. Sau 15 năm làm việc tại đô thị này, tổng tiền lương của hai vợ chồng hiện khoảng 25 triệu đồng. Vậy nên, cả gia đình phải chi tiêu tằn tiện, đồng thời làm thêm buổi tối để gia tăng thu nhập. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, ông Phát vẫn chưa dám nghĩ tới việc mua nhà.
Trả lời câu hỏi về dự tính mua nhà an cư, ông Phát cho biết: "Vợ chồng tôi có chưa được chục cây vàng mà chung cư ở vùng ven này cũng có giá không dưới 1,5 tỷ đồng/căn".
Ngoại trừ các khoản chi cho 2 con, vợ chồng ông Phát tiết chế hết sức có thể ở các khoản chi tiêu khác. Gia đình ông tự nấu ăn sáng ở nhà, mang theo cơm trưa và chỉ thuê phòng trọ 15m2.
Mỗi đầu năm chủ nhà thường tăng giá nên việc thuê trọ của ông Phát cũng "phập phồng". Không muốn chuyển đi vì sợ lỡ việc học hành của con cái nên khách trọ phải chịu mức giá mới. Ông Phát chia sẻ: "Tôi đang tìm nhà nào có giá chừng trên dưới 1 tỷ đồng mà được trả góp chừng 10-15 năm.
Có vậy, may ra vợ chồng tôi mới có cơ hội mua được nhà ở, các con có chỗ đàng hoàng. Còn không, có khi vài năm nữa tôi lại vô khu Vĩnh Lộc mua đại cái nhà giấy tay, may ra mới vừa túi tiền, biết là rủi ro nhưng đâu có nhiều lựa chọn...". "Anh em, bà con cũng có thể cho mượn thêm tiền mua nhà nhưng tôi không dám mượn vì sợ không trả nổi", ông Phát nói.
Liều thì mới có nhà ở
Cùng là nhân viên văn phòng làm việc tại TP.HCM, vợ chồng ông Minh Phòng hơn một thập kỷ qua vẫn ở nhà thuê. Hiện tại, gia đình ông đang thuê một căn hộ ở quận Thủ Đức. Bàn về việc mua nhà để an cư, ông Phòng chùng giọng cho biết, "chắc phải liều mới có được nhà".
Người đàn ông này chia sẻ, lương cứng mỗi tháng của hai vợ chồng chỉ 20 triệu đồng. Vợ ông làm đồ ăn vặt, trà sữa bán thêm ngoài giờ mới thêm chút dư dả hàng tháng. Thậm chí, vợ chồng ông không còn tiền để dành trong những tháng có nhiều đám hiếu hỉ ma chay. Theo ông Phòng, nếu muốn mua nhà chỉ còn cách liều vay mượn để mua rồi "cày" trả nợ.
Ông Phát bày tỏ: "Hơn 10 năm đi ở trọ từ quận Tân Bình, Gò Vấp, quận 12, giờ qua Thủ Đức, giấc mơ an cư ngày càng xa vời khi giá nhà đất tăng lên vùn vụt mà thu nhập của mình cứ ọp ẹp mãi. Tôi đăng ký mua nhà ở xã hội tại công ty nhưng có nhiều người xếp hàng mà lâu lắm mới nghe thông báo có dự án mới. Không biết khi nào mới đến lượt mình. Tôi mong chương trình nhà ở xã hội của Nhà nước mở rộng, có nhiều nhà hơn để những gia đình như tôi có cơ hội sở hữu nhà."
Câu chuyện của ông Phòng, ông Phát cũng là tình trạng chung của hàng nghìn gia đình trẻ đang ở trong các khu trọ trên khắp địa bàn TP.HCM. Bao giờ có nhà giá rẻ cho người thu nhập chưa cao tại đô thị là câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.