Nhằm làm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền lợi của người mua nhà, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) yêu cầu chủ đầu tư dự án nhà ở phải có sự bảo lãnh của tổ chức tài chính hoặc tín dụng mới được thực hiện việc bán, cho thuê nhà.
Chủ đầu tư dự án nhà ở phải có sự bảo lãnh
của tổ chức tài chính hoặc tín dụng.
Thị trường bất động sản trong thời điểm đóng băng, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở cạn vốn, dự án chậm tiến độ, thậm chí "bỏ chạy" với hàng trăm tỷ đồng góp vốn của người dân. Gây ra nhiều bức xúc trong dư luận và mất niềm tin với người mua nhà. Điển hình như một số vụ việc xảy ra ở Hà Nội: dự án B5 Cầu Diễn ở Từ Liêm; dự án Hesco ở Văn Quán, Hà Đông; dự án Tricon Towers ở Bắc An Khánh, Hoài Đức...
Trên thực tế, khách hàng rất dễ gặp rủi ro khi góp tiền mua nhà, ký kết hợp đồng trên giấy với chủ đầu tư. Bởi sau khi ký kết, không có nhiều cơ sở để chắc chắn rằng, chủ đầu tư sẽ thực hiện đúng cam kết về tiến độ, chất lượng xây dựng.
Thấy được hạn chế này, ngày 25/11, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với một số nội dung mới siết chặt hoạt động đầu tư xây dựng trong lĩnh vực bất động sản, trong đó có quy định yêu cầu chủ đầu tư dự án nhà ở phải có sự bảo lãnh của tổ chức tài chính hoặc tín dụng mới được thực hiện việc bán, cho thuê nhà.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông Trần Ngọc Hùng cho biết, các nhà đầu tư sẽ gặp phải nhiều khó khăn với quy định mới này. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ gặp phải ở những nhà đầu tư nhỏ lẻ, kém năng lực. “Đây là điều mà tất cả các nước trên thế giới đều làm. Tôi ủng hộ phải siết chặt vấn đề này, để tìm ra những nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án. Bởi lẽ, thực tế thời gian vừa qua có rất nhiều nhà đầu tư khi thấy lợi nhuận của thị trường bất động sản nói chung, nhà ở nói riêng liền lao vào làm, thậm chí làm với hình thức "tay không bắt giặc", khá nhiều nhà đầu tư không có kinh phí triển khai nhưng lợi dụng sơ hở không có bảo lãnh để tiến hành xin dự án".
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa cũng đồng tình về quy định bảo lãnh. Ông Hòa cho rằng, khi ban hành các văn bản dưới Luật, các cơ quan chức năng phải nghiên cứu, xem xét thực tế một cách kỹ lưỡng, tránh để nhiều dự án tắc nghẽn không triển khai được trong thời gian dài.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, quy định mới sẽ đưa các doanh nghiệp bất động sản vào hoạt động có quy củ hơn, tăng trách nhiệm và sự uy tín trên thị trường: “Tôi nghĩ dần dần chúng ta phải tiếp cận với bước đi thế giới, có đủ nhà cho người dân và đảm bảo an toàn khi họ đặt tiền vào mua. Hiện ở Việt Nam, rất nhiều dự án nhỏ lẻ, giao dịch xong là không còn trách nhiệm gì cả, cuối cùng thành phố và người dân phải lo hết. Không nhiều dự án được như Phú Mỹ Hưng, đến thời điểm này họ vẫn có trách nhiệm (tu sửa, dọn dẹp), không để gánh nặng lên người dân và thành phố."
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Reenco Sông Hồng, thuộc Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng, ông Nguyễn Thế Điệp tỏ vẻ băn khoăn, lo ngại khi có tới hơn 90% doanh nghiệp bất động sản trong nước là nhỏ và vừa: “Nhiều doanh nghiệp sẽ phải rời thị trường khi tuân thủ quy định mới này. Cần có lộ trình rõ ràng để các doanh nghiệp tự hoàn chỉnh, nếu chưa đủ điều kiện phải tạo mọi điều kiện để triển khai được các dự án trong tương lai, nếu nhỏ quá thì sẽ sát nhập và hợp tác với nhau”.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Nguyễn Trần Nam cho biết, để giảm nguồn cung ảo cũng như những dự án khó hoàn thành hoặc độ trễ dài thì bảo lãnh là quy định cần thiết. Thực tế, hiện hàng tồn kho vẫn còn nhiều, để tránh tình trạng thừa cung, Chính phủ chủ trương không khuyến khích việc bán nhà hình thành trong tương lai.
Quy định doanh nghiệp bất động sản phải có bảo lãnh của tổ chức tài chính hoặc tín dụng mới được thực hiện việc bán, cho thuê nhà được kỳ vọng sẽ làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản, bảo vệ quyền lợi của người mua nhà. Lúc này, để tồn tại và phát triển, các nhà đầu tư nhà ở cần làm thật, bán thật, đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp với năng lực tài chính của mình.