Chủ đầu tư dự án Nam Đô Complex (số 609 Trương Định, Hà Nội) vừa cho biết, công trình dự kiến khởi công từ tháng 10/2010 nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện bởi… kẹt tiền sử dụng đất!
Chủ đầu tư dự án Nam Đô Complex (số 609 Trương Định, Hà Nội) vừa cho biết, công trình dự kiến khởi công từ tháng 10/2010 nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện bởi… kẹt tiền sử dụng đất!
“Tất đất, tấc tiền”!
Ngày 28/2/2011, thông tin từ chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần đầu tư dầu khí Toàn Cầu (GP – Invest), đơn vị này đã có đầy đủ các thủ tục pháp lý cho dự án Khu nhà hỗn hợp dịch vụ thương mại, văn phòng, chung cư và trường mầm non Nam Đô (Nam Đô Complex) như: Quyết định giao đất, Giấy chứng nhận đầu tư, Quy hoạch chi tiết (1/500). Phương án kiến trúc, phương án xả thải cho dự án cũng đã được Sở Xây dựng Hà Nội thông qua.
Tuy nhiên, GP – Invest vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất nên chưa có giấy phép xây dựng để khởi công dự án. Theo phản ánh, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay là tiền sử dụng đất. Để thực hiện dự án Nam Đô có diện tích khoảng 2,6 ha tại quận Hoàng Mai, riêng tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp phải đóng một lần đã lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Đó là chưa kể đến các chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng và nhiều chi phí khác đè nặng lên hầu bao của doanh nghiệp! Trong khi đó, từ cuối năm 2010, Ngân hàng Nhà nước nâng tỷ lệ an toàn vốn với các khoản vay đầu tư bất động sản từ 100% lên mức 250% khiến tín dụng cho bất động sản vô cùng khó khăn.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP.Invest), hầu hết các doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án bất động sản hiện nay đều phải trông chờ vào nguồn vốn ngân hàng. Việc nâng tỷ lệ an toàn vốn với các khoản vay đầu tư bất động sản đã khiến hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp khó khăn.
Việc các dự án không thể khởi công là tình trạng chung của hàng loạt các doanh nghiệp thực hiện dự án khu vực nội đô Hà Nội. Theo ông Hiệp, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nếu tiếp tục buộc doanh nghiệp phải đóng tiền sử dụng đất 1 lần mới cấp phép xây dựng dự án thì hầu hết các dự án đều phải giãn tiến độ khởi công.
Điều đó cũng lý giải vì sao từ tháng 9/2010, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã cho phép hơn 200 dự án cao ốc khu vực nội đô Hà Nội thi công trở lại nhưng đến nay công trường các dự án này cơ bản vẫn im lìm và hầu như không có dự án nhà ở mới được khởi công! Với trường hợp cụ thể của dự án Nam Đô Complex – công trình dự kiến khởi công vào quý IV/2010 và hoàn thành vào quý IV/2013 sẽ tiếp tục phải tạm hoãn do khó khăn trong việc đóng tiền sử dụng đất!
Cảnh giác với … “cò”!
Theo những thông tin mà chúng tôi có được, dự án Nam Đô Complex có tên đầy đủ là Khu nhà hỗn hợp dịch vụ thương mại, văn phòng, chung cư và trường mầm non Nam Đô. Dự án được xây dựng trên phần đất 2,6 ha gồm tổ hợp gồm 4 khối công trình có chức năng là nhà ở cao tầng và dịch vụ thương mại, văn phòng và trường học tại số 609 đường Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Đến thời điểm này dự án mới chỉ dừng lại ở khâu san lấp mặt bằng và khoan cọc nhồi. Tuy nhiên, trên thị trường thời gian gần đây tràn ngập các thông tin rao bán dự án này. Thậm chí, ngay từ cuối năm 2010, hàng chục “cò” bất động sản đã tung tin rao bán căn hộ tại dự án này với tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại đầy đủ để người mua liên hệ đặt tiền.
Dự án Nam Đô Complex mới chỉ dừng lại ở khâu san lấp mặt bằng
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về những thông tin này, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Dầu khí Toàn Cầu khẳng định, GP.Invest chưa bán sản phẩm căn hộ cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào và cũng không hề có “suất ngoại giao” nào tại dự án này!
“Chúng tôi tuyệt đối tuân thủ Luật Kinh doanh bất động sản, chỉ bán căn hộ chừng nào hoàn thành xong móng của dự án. Khách hàng cần cảnh giác với các hợp đồng môi giới mua bán căn hộ trên thị trường hiện nay hoàn toàn là “tin vịt”. Doanh nghiệp sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu có hợp đồng mua bán căn hộ giữa chủ đầu tư với khách hàng là tổ chức hay bất kỳ cá nhân nào”!
(Theo Đầu tư)