Mặc dù được các chuyên gia ngành khí tượng thủy văn nhận định, năm 2009 không phải là năm đột biến về nắng nóng, nhưng dường như nhiều người cảm nhận rõ sự khó chịu, mệt mỏi ngày càng gia tăng.
Mặc dù được các chuyên gia ngành khí tượng thủy văn nhận định, năm 2009 không phải là năm đột biến về nắng nóng, nhưng dường như nhiều người cảm nhận rõ sự khó chịu, mệt mỏi ngày càng gia tăng.
Lý giải về điều này, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính do hiệu ứng bê tông hóa, thiếu cây xanh ở các khu đô thị.
Nhiệt độ vẫn vậy sao oi bức hơn
Bà Nguyễn Thị Hiền Thuận thuộc Phân viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường phía Nam cho biết, ở hội thảo "Bảo vệ môi trường phát triển bền vững: Trách nhiệm của doanh nghiệp và cộng đồng" diễn ra đúng ngày Môi trường thế giới 5/6 tại TPHCM cho hay: Nhiệt độ tại TPHCM luôn ở mức cao nhất trong khu vực, cao hơn các vùng lân cận từ 1-3 độ C. Nguyên nhân là do nồng độ khói bụi ở thành phố này luôn ở mức cao và đặc biệt, bà Hiền Thuận nhấn mạnh đến việc bê tông hóa mặt bằng. Điều này cũng được TS Nguyễn Lan Châu, phó giám đốc Trung tâm dự báo KTTVTW đồng tình. TS Lan Châu đưa ra ví dụ, ba đợt nắng vừa qua, Thủ đô Hà Nội nhiệt độ vẫn duy trì ở ngưỡng 37 độ C (nền nhiệt độ hè) nhưng với đặc điểm đô thị hóa, bê tông hóa, người dân vẫn cảm thấy oi bức hơn.
Hiện tượng nắng nóng xuất hiện còn có nhiều nguyên nhân như: do Trái đất ngày càng nóng lên, băng tan, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tầng ozon ngày càng mỏng. Nắng nóng thường làm người dân ở các đô thị cảm thấy khó chịu, nóng bức hơn ở nông thôn vì không khí ở đô thị bị ô nhiễm, nhiều nhà cao tầng gây hiệu ứng bê tông, trong khi cây xanh ngày càng ít, các khu vui chơi, công viên, bể bơi thì ít và quá tải, nhà cửa chật chội, không lưu không khí.
Sự oi bức thể hiện rõ nhất vào buổi chiều tối PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, khoa Môi trường, Đại học KHTN, ĐHQG Hà Nội chỉ ra "thủ phạm" đó là hiện tượng nghịch nhiệt. Theo đó, khi mặt đất bê tông hóa bị đốt nóng dữ dội lúc ban ngày phát ra bức xạ hồng ngoại về ban đêm làm cho nó lạnh hơn lớp không khí phía trên. Điều này làm cản trở sự phát tán nhiệt độ lên không trung, khiến chúng quanh quẩn (chỉ tầm ở độ cao 150m), gây ra sự oi bức. Song PGS Hòe cảnh báo, nguy hiểm hơn, hiện tượng này còn cản trở các chất ô nhiễm. Chúng cứ tích tụ lại sát mặt đất làm cho ô nhiễm gia tăng nhanh chóng sau chập tối.
Bê tông hóa cả cuộc sống
Điều dễ nhận thấy là bên cạnh các tòa nhà cao tầng ngày càng bành trướng thì không gian cây xanh lại thu hẹp theo tỷ lệ nghịch. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Bảo vệ môi trường, tại 2 đô thị lớn nhất nước ta là Hà Nội và PHCM, diện tích cây xanh bình quân đầu người chưa tới 1m2. Cùng với đó là ô nhiễm bởi khói bụi, tiếng ồn... khiến người dân đô thị đành lui về ẩn trong bốn bức tường chật hẹp.
Và một trong những giải pháp người dân thành thị chọn là chiếc máy điều hòa. Có thể thấy, văn hóa điều hòa len lỏi đến từng ngóc ngách của cuộc sống. Hàng trăm nghìn chiếc máy điều hòa bật lên để làm mát một khoảng không gian bé nhỏ nhưng thay vào đó chúng thải thêm một lượng nhiệt cho những phần không gian còn lại. "Người ta tìm mọi cách để đối phó với nắng nóng nhưng chỉ là thụ động. Đúng là một vòng luẩn quẩn. Đây cũng là cảnh báo nhãn tiền về hiện tượng nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu", TS Hòe nhận định.
"Không thể trách người dân mà cần phải có những quy hoạch mang tính quốc gia mới mong cải thiện được tình hình này", TS Hòe nói. Hãy nhìn vào con số mà cơ quan khí tượng thủy văn đưa ra, trong vòng 50 năm trở lại đây, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta đã tăng 0,7oC. Đây là những con số biết nói. Hiện tượng nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu không ở đâu xa, nó đang ở rất gần.
(Theo KH&ĐS)