Sau khi Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo siết tín dụng bất động sản, không ít ngân hàng đã giảm nhẹ lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn theo mặt bằng chung do thừa vốn.
Chẳng hạn, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn tại ngân hàng Techcombank vừa được giảm ở mức 0,2-0,3%/năm. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại Techcombank còn 4,5%/năm và mức 4,6%/năm đối với kỳ hạn 2 tháng.
Trước đây, mức lãi suất các kỳ hạn 6-11 tháng là 5,8%, nay giảm xuống còn 5,5%/năm. Techcombank đã 3 lần điều chỉnh lãi suất huy động trong tháng 4/2018.
|
Nhiều ngân hàng đã giảm nhẹ lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn theo mặt bằng chung do thừa vốn sau khi Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo siết tín dụng bất động sản. (Ảnh: Q.Định) |
Ngân hàng Sacombank cũng điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất kỳ hạn 2 tháng có dự thưởng về mức 5,2%/năm.
BIDV trước đó cũng giảm lãi suất huy động tại một số kỳ hạn. Ví dụ, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại ngân hàn này hiện là 4,1%/năm. Nhiều ngân hàng cổ phần lớn khác đang áp dụng mức lãi suất là 4,8 - 5,1%/năm, kịch trần là 5,5%/năm. Tại ngân hàng BIDV, kỳ hạn 3 tháng có mức lãi suất là 4,6%/năm và 5,1%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng.
Bàn về vấn đề này, một số ngân hàng cho biết, sau khi có chỉ đạo siết tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng bất động sản có xu hướng chững lại.
Theo giám đốc kinh doanh của một ngân hàng, nhiều ngân hàng thương mại hiện đang thừa vốn nên buộc phải giảm bớt lãi suất huy động.
Vị này cho hay: "Việc giảm lãi suất huy động cũng nhằm cơ cấu lại kỳ hạn huy động vốn theo hướng khuyến khích người dân gửi kỳ hạn dài, thay vì tập trung vào các kỳ hạn ngắn như trước".
Huy động vốn tăng mạnh
Theo số liệu thống kê 5 tháng đầu năm 2018, huy động vốn toàn hệ thống ngân hàng tăng khoảng 7,4%. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này cao hơn nhiều.
Mức tăng tín dụng tại một số ngân hàng thương mại khoảng từ 7-8%, cá biệt có ngân hàng tăng hơn 9%. Thế nên, để giảm chi phí, một số ngân hàng quyết định giảm lãi suất đầu vào.
|