Trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng những ngôi chùa cổ kính nổi tiếng đất Thăng Long vẫn giữ được vẹn nguyên nét đẹp kiến trúc văn hóa tôn giáo truyền thống.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng những ngôi chùa cổ kính nổi tiếng đất Thăng Long vẫn giữ được vẹn nguyên nét đẹp kiến trúc văn hóa tôn giáo truyền thống.
Chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc xưa thường là nơi các vua chúa đến thưởng ngoạn, vãn cảnh, cúng lễ vào những ngày lễ, Tết. Theo sổ sách xưa còn lưu lại, chùa Trấn Quốc được xây dựng trước khi có thành Thăng Long, vào thời kỳ tiền Lý Nam Đế (544 – 548). Ban đầu chùa có tên là chùa Khai Quốc. Sau đó đổi thành An Quốc năm Bảo Đại thời tiền Lê Thánh Tông (1934 - 1442), Trấn Bắc thời vua Thiệu Trị 1844…Tuy nhiên với bề dày lịch sử và ý nghĩa thiêng liêng tên gọi Trấn Quốc được sử dụng đến ngày nay. Chùa được xây dựng trên mảnh đất “sơn kỳ thủy tú”, phù hợp với triết lý của đạo Phật.
Giống hầu hết những ngôi chùa khác ở Việt Nam, kết cấu và nội thất chùa Trấn Quốc có sự sắp xếp trình tự và theo nguyên tắc khắt khe của Phật giáo. Gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công (工). Tiền đường hướng về phía Tây. Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Gác chuông chùa là một ngôi ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính.
Ngày nay, chùa Trấn Quốc không chỉ là nơi lui tới cầu mong bình an của các Phật tử mà nơi đây với cảnh đẹp, thơ mộng còn là địa điểm vãn cảnh lý tưởng cho du khách thập phương khi đến Hà Nội.
Chùa Quán Sứ
Chùa Quán Sứ nằm ở số 73 phố Quán Sứ , phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Trước đây, khu vực này thuộc thôn Yên Tập, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên. Chùa thờ Phật và thờ vị quốc sư triều Lý là Nguyễn Minh Không.
Chùa Quán Sứ có lẽ là một trong rất ít ngôi chùa ở Việt Nam mà tên chùa cũng như nhiều câu đối đều được viết bằng chữ quốc ngữ. Phải chăng vì ngôi chùa được xây dựng lại vào giữa thế kỷ 20 và vì chùa đã trở thành trụ sở trung tâm của Tổng hội Phật giáo Bắc Việt, nay là của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngôi Quốc tự chung của các thiện nam tín nữ trên đất Việt. Phân viện Nghiên cứu Phật học thuộc Giáo hội và văn phòng tổ chức Phật giáo Châu Á vì hòa bình (ở Việt Nam) cũng đặt ở đây.
Nửa thế kỷ nay, chùa Quán Sứ đã chứng kiến nhiều hoạt động quan trọng của Phật giáo Việt Nam, trong đó có sự thống nhất tổ chức Phật giáo trong nước và sự hòa nhập của Phật giáo Việt Nam với Phật giáo thế giới.
Chùa Láng
Chùa Láng được xây dựng từ thời vua Lý Thần Tông (1128-1138) để thờ Từ Đạo Hạnh là một nhà tu hành đắc đạo, nổi tiếng thời Lý. Chùa lập ngay trên nền nhà cũ của cha mẹ Từ Đạo Hạnh là Từ Vinh và Nguyễn Thị Loan, ở địa phận làng Yên Lãng, tức là làng Láng vì thế gọi là chùa Láng.
Chùa Láng xây dựng trên một khu đất rộng, có nhiều cây cổ thụ, từ xưa vẫn được coi là nơi đệ nhất tùng lâm của kinh đô Thăng Long. Trong chùa có nhiều đồ thờ cổ, có nhiều tượng phật, có tượng Lý Thần Tông và đặc biệt là tượng Từ Đạo Hạnh không tạc bằng gỗ đá, mà đan bằng mây và quét sơn bên ngoài. Trước đây, trong chùa còn giữ được một cuốn sách kinh bằng đồng khắc chữ, tương truyền là của vua Lý Nhân Tông dùng tụng niệm khi sinh thời.
Từ thời Lý đến nay, chùa đã được nhiều lần sửa chữa, nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, bình yên, thanh tịnh.
Chùa Kim Liên
Chùa được dựng trên dải đất của làng Nghi Tàm, bên bờ hồ Tây, nay thuộc phường Nghi Tàm, quận Tây Hồ. Tương truyền nơi dựng chùa là nền cũ của cung Từ Hoa có từ đời Lý. Nguyên công chúa Từ Hoa, con gái vua Lý Thần Tông (1128-1138) đã đem cung nữ tới khu vực này trồng dâu, nuôi tằm, mở ra trại Tàm Tang (tằm dâu).Trại này sau đổi tên là phường Nghi Tàm.
Chùa có từ thế kỷ XVII. Theo tấm bia hiện còn trong chùa soạn ra có nêu: chùa vốn có tên là Đại Bi dựng vào năm 1631. Bảy năm sau, nhân dân góp công để mở rộng thêm khu chùa. Đến năm 1771, chúa Trịnh cho dỡ chùa Bảo Lâm ở phía tây kinh thành về tu bổ lại chùa này và đổi tên chùa là Kim Liên. Tên Kim Liên có từ đó.
Ngày nay, chùa Kim Liên là nơi vô cùng tĩnh lặng, bình yên, nằm khiêm nhường bên hồ Tây mộng mơ. Mỗi du khách khi đến đây đều bỏ dép bước chân trần trên những bậc đá rêu phong. Dường như mỗi người đều cố gắng bước thật nhẹ để không làm phá vỡ đi không gian linh thiêng, cổ kính đã tồn tại hàng trăm năm trên mảnh đất này.
Chùa Ngũ Xã
Chùa Ngũ Xã có tên là Thần Quang Tự, được xây dựng từ thế kỷ XVIII thời hậu Lê (1428-1788 ). Xưa chùa thuộc thôn Ngũ Xã, là một bán đảo bên hồ Trúc Bạch, có nghề đúc đồng nổi tiếng thuộc tổng Thuận Thành, huyện Vĩnh Thuận, thành Thăng Long. Nay là số nhà 44 phố Ngũ Xã, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình - Hà Nội. Chùa Ngũ Xã, ngoài việc thờ Phật còn thờ nhà sư Nguyễn Minh Không, tục truyền là tổ nghề đúc đồng.
Chùa Ngũ Xã là một trong số ba ngôi chùa ở
Hà Nội được xây dựng lại trong thập kỷ 40 và 50 bằng vật liệu mới (xi măng, sắt thép), nhưng vẫn giữ phong cách chùa cổ điển Việt Nam (hai ngôi chùa kia là chùa Quán Sứ xây dựng lại vào năm 1942 và chùa Hưng Ký xây năm 1933).
Hà Thủy (TH)