Được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng giá nhà ở xã hội vẫn nằm xa tầm tay của đại bộ phận dân chúng. Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải giám sát chặt việc ưu đãi thuế để tránh hiện tượng nhà giá rẻ rơi vào tay người giàu.
Được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng giá nhà ở xã hội vẫn nằm xa tầm tay của đại bộ phận dân chúng. Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải giám sát chặt việc ưu đãi thuế để tránh hiện tượng nhà giá rẻ rơi vào tay người giàu.
Phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, các đại biểu tiếp tục bàn bạc về hai dự án Luật Thuế lớn là thu nhập doanh nghiệp và VAT. Mục tiêu đề ra là Luật phải tiếp tục "gạn đục khơi trong", tránh trường hợp các cá nhân lợi dụng ưu đãi thuế để kiếm lời. Vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm là chính sách thuế với nhà ở xã hội dành cho các đối tượng có thu nhập thấp - công nhân lao động, học sinh, sinh viên...
Luật Thuế VAT quy định, thuế suất áp dụng đối với tất cả loại nhà là 10%. Tuy nhiên, nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở xã hội, Chính phủ đề nghị chỉ áp dụng thuế suất 5%.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị mọi dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, không phụ thuộc địa bàn đầu tư đều được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp. Tức thuế suất áp dụng với các dự án nhà ở xã hội là 10%, thay cho mức phổ biến 25% hiện hành, đồng thời được miễn thuế 4 năm và giảm thuế tối đa 9 năm tiếp theo. Trong khi, quy định của luật hiện hành chỉ có dự án tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mới được hưởng ưu đãi ở mức này.
Tại phiên họp sáng nay, đa số các đại biểu tán thành đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và VAT của Chính phủ. Thế nhưng, khi đề cập đến vấn đề phân bổ ngân sách và đối tượng nằm trong diện ưu đãi thuế đã xuất hiện những ý kiến trái ngược.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng, có hai phương thức thực hiện ưu đãi thuế là hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng và thông qua doanh nghiệp để hạ giá nhà ở - nghĩa là hỗ trợ gián tiếp cho đối tượng chính sách.
Bà Ba cho rằng nên chọn phương án hỗ trợ trực tiếp vì nếu thông qua khâu trung gian, qua doanh nghiệp thì các mức ưu đãi chưa chắc đã đến được người dân. "Doanh nghiệp vì lợi nhuận, còn công cụ giám sát của chúng ta còn lỏng lẻo nên tôi e rằng nếu qua trung gian thì rất khó thực hiện", bà nói.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Thế Vượng cho rằng, lâu nay các ưu đãi thuế qua khâu trung gian thường bị lợi dụng, nhất là các dự án nhà ở xã hội. "Nhiều khu tái định định cư lại không thuộc về người nằm trong diện tái định cư. Tương tự rất nhiều nhà ở xã hội đang rơi vào tay người giàu", ông nói.
Phó chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Kiên cũng ghi nhận nhà giá rẻ "đẻ" ra để phục vụ những đối tượng có thu nhập thấp, thực tế rất nhiều người trong số họ không có đủ tiền để mua nhà ở xã hội, thậm chí là đi thuê. Dự án Làng sinh viên Hacinco là một ví dụ điển hình dù được hỗ trợ rất nhiều nhưng hoạt động lại đang bị "biến tướng". Hồi năm 2001 khi dự án này được đưa vào sử dụng, sinh viên chỉ phải bỏ 100.000 đồng mỗi tháng là có thể thuê được một căn phòng tiện nghi sạch sẽ. "Thế nhưng, đến thời điểm này giá đã bị đẩy lên khá cao, sinh viên nằm ngoài tầm với. Hacinco giờ chỉ còn dành cho các lưu học sinh nước ngoài học tập tại VN", ông Kiên nói.
Đại biểu Đào Trọng Thi phàn nàn, sở dĩ có chuyện "nhà giá rẻ rơi vào tay người giàu" là vì Luật chưa quy định chi tiết về nhà ở xã hội. Tiếng là nhà giá rẻ nhưng lại xa tầm với của đại bộ phận dân chúng, người có nhu cầu thực sự lại không có tiền, còn người có tiền lại mua qua, bán lại kiếm lời.
Ông Thi đề xuất các dự án nhà ở xã hội phải được xây dựng theo đúng chuẩn nghèo, nghĩa là giá rẻ, chất lượng vừa phải, không quá tiện nghi để tránh con mắt "nhòm ngó" của những người giàu.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh ghi nhận những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng thừa nhận những sai sót trong quá trình giám sát. "Chúng tôi hy vọng, việc chỉnh sửa một số điều khoản ưu đãi thuế trong Luật sẽ khắc phục được những kẽ hở trên", ông Ninh nói.
(Theo Vnexpress)