Đà Nẵng hiện có 12 đồ án, dự án điều chỉnh không theo quy hoạch chung của TP, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát chuyên đề về công tác lập, tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn TP Đà Nẵng cho biết.
Cụ thể, việc thành lập, mở rộng các khu công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Khánh không phù hợp với chức năng xác định tại quy hoạch chung (QHC). Khu vực trục đường trước mặt ga mới không phù hợp với QHC; trục số 2 Tây Bắc theo QHC có chức năng khu vực đất ở, hỗn hợp, thương mại, dịch vụ.
Theo QHC, dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước là trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp, đồng thời là đô thị động lực, điểm nhấn kiến trúc cảnh quan nhìn từ Vịnh Đà Nẵng. Tuy nhiên, dự án này lại chuyển đổi thành khu ở mật độ thấp.
Chức năng của khu vực phía Tây Sông Hàn (Nhà máy đóng tàu Sông Thu cũ) là công cộng (dịch vụ - thương mại) nay chuyển đổi trở thành đất ở, phân lô bán nền.
So với QHC, diện tích đất hỗn hợp công cộng khu vực phía Đông Nam còn thiếu và định hướng phát triển khu vực trục đường trước mặt ga mới không phù hợp.
Theo quy hoạch, dự án đô thị Tây Bắc, trục Nguyễn Sinh Sắc là trung tâm thương mại - dịch vụ tổng hợp nay chuyển đổi trở thành khu đất ở, phân lô bán nền.
Khu đô thị lấn biển Đa Phước điều chỉnh không theo quy hoạch chung
đã được phê duyệt bởi Thủ tướng Chính phủ.
Cũng so với QHC, khu vực phía Tây đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bố trí đất công nghiệp và đất ở tại khu công nghệ thông tin chưa phù họp. Đối với một số khu vực phát triển đất ở đô thị (khu I, khu G) là khu nông thôn của Đà Nẵng cần phải phân rõ đất ở nông thôn và đất ở đô thị trong khu vực.
Bên cạnh đó, việc mở rộng Khu công nghiệp Hòa Cầm không phù hợp. Bởi lẽ, theo QHC, một số khu vực phát triển nhà ở (khu I, khu G) là khu vực nông thôn của TP, do đó việc bố trí các khu đất nông nghiệp xen kẹp giữa các khu vực phát triển dân cư là không hợp lý.
Tại Khu dân cư Hòa Liên 5, Nam cầu Đỏ, đất dành cho thương mại (chợ), nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà trẻ không có. So với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, tỷ lệ đất dành cho cây xanh đơn vị ở Phân khu số I (0,8m²/ng), số II (l,7 m²/ng), số III (0,3 m²/ng) và tỷ lệ đất trường mầm non, tiểu học, THCS, phân khu số I (l,3m²/ng), số II (l,7m²/ng), số III (0,8m²/ng), số IV (2,3m²/ng) không đảm bảo diện tích tối thiểu. Tỷ lệ đất cây xanh và đất thể dụng thể thao đơn vị ở tối thiểu theo quy chuẩn phải đạt 2,5 m²/người. Hơn nữa, tỷ lệ cây xanh không bao gồm mặt nước của hồ điều hòa.
Theo Quy chuẩn xây dựng, đất dành cho giao thông đô thị trong đồ án quy hoạch phân khu (QHPK) tối thiểu phải đạt tỉ lệ 18% nhưng thực tế chỉ từ từ 12-14%. So với hiện trạng, các chỉ tiêu diện tích mặt nước của các đồ án QHPK đều điều chỉnh giảm như Phân khu số III - Khu vực phía Đông và bán đảo Sơn Trà, Phân khu số IV - Khu vực phía Đông Nam cần nghiên cứu giữ nguyên hiện trạng mặt nước của TP để hạn chế nguy cơ ngập úng.
Ngoài ra, trong đồ án QHPK, giải pháp tổ chức không gian còn mờ nhạt, chủ yếu là ghép giữa hiện trạng và các dự án chứ chưa có giải pháp quy hoạch cụ thể cho từng khu vực đô thị để cụ thể hóa nội dung quy hoạch chung Đà Nẵng đã được phê duyệt bởi Thủ tướng Chính phủ nhằm hình thành các trục chính đô thị, trung tâm thương mại, tài chính quốc gia và quốc tế. Chẳng hạn như các trục đường Nguyễn Văn Linh, khu vực trung tâm phố cũ Hùng Vương, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn; trục số 2 Tây Bắc từ ga đường sắt mới đến sát vịnh Đà Nẵng...