Trong sách “ Dư địa chí” Nguyễn Trãi viết về Núi Ba Vì: “Núi ấy là núi tổ của nước ta đó”.
Trong sách “ Dư địa chí” Nguyễn Trãi viết về Núi Ba Vì: “Núi ấy là núi tổ của nước ta đó”.
Theo sách “ Bắc – Thành Địa dư chí” của Lê Đại Cương chép : “ Núi này ở huyện Bất Bạt, phủ Quảng Oai (nay là huyện Ba Vì, Hà Nội). Hình núi tròn như cái tán nên gọi là Tản Viên, rộng rãi bao la, đứng cao hùng vĩ, làm trấn sơn cho cả một vùng, cao 2.310 trượng, chu vi 18.605 trượng, hướng tây có Sông Đà chảy quanh theo, rừng cây rậm rạp, cảnh trí đẹp”.
Núi Ba Vì nằm trong vùng đồng bằng xen kẽ đồi gò, được tạo lập bởi sự xâm thực, chia cắt các thềm đá gốc và thềm phù sa cổ Sông Hồng, Địa chất ở Ba Vì rất bền vững, được hình thành từ những cuộc chuyển động kiến tạo xảy ra vào cuối Triat muộn (khoảng 210 triệu năm về trước) trong khu vực Đông Dương và Trung Quốc, hình thành từ những cuộc vận động tạo sơn Idosinias.
Theo các tài liệu nghiện cứu về khảo cổ học thì vùng đất xứ Đoài, nơi có núi Ba Vì còn rất nhiều các hiện vật bằng Đá như rìu, bàn mài, chì lưới, mũi nhọn, bàn dập, hòn kè, giáo, đục, mũi tên, đồ trang sức và nhiều các hiện vật là đồ đồng, đồ gốm có niên đại từ thời văn hóa Sơn vi, tồn tại qua bốn giai đoạn văn hóa kế tiếp nhau từ thời Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, đến Đông Sơn cách ngày nay hàng nghìn năm.
Dưới triều Nguyễn, năm Bính Thân, Minh Mạng thứ 17 (1836) đúc “ Cửu Đỉnh” biểu tượng cho uy thế và sự bền vững . Minh Mạng còn cho chạm hình núi Tản Viên vào Thuần Đỉnh (cao 2,32m, nặng 1.950 kg) cùng với cửa Cần Giờ và sông Thạch Hãn. Đời Tự Đức năm thứ 3, Canh Tuất (1850) liệt Tản Viên vào hàng những núi hùng vĩ, giang sơn của đất nước và được ghi chép vào Tự điển để cúng tế hàng năm.
Sự thực núi Ba Vì chỉ cao 1.296m, núi Tam Đảo lại cao đến 1.581m, nhưng vì núi này là nơi ngự của Thần núi (thần Tản Viên), nên được nhân dân tôn vinh thành ngọn núi cao nhất, thiêng liêng nhất. Núi cao ở đây là cao trong tâm thức, không phải độ cao thấp đơn thuần về mặt địa lý. Truyền thuyết còn kể lại rằng núi Ba Vì là do Sơn Tinh dùng sách ước nâng núi lên cao, để ngăn nước lũ chống Thủy Tinh.
Nếu lấy núi Nghĩa Lĩnh (cố đô của nước Văn Lang thời tiền sử) làm tâm điểm thì núi Ba Vì và núi Tam Đảo là hai điểm đối xứng tạo thành “Thế tay ngai” trong luật phong thủy do triều đại Vua Hùng tạo lập. Xứ Đoài đã ôm cả ba dòng sông lớn: Sông Đà, sông Thao, sông Lô. Ngã ba Bạch Hạc là nơi hợp thành của ba dòng sông ấy để rồi tụ thủy ở đầu sông Cái (sông Hồng) tạo dựng thành vùng châu thổ trù phú của đồng bằng Bắc Bộ ngày nay.
Xưa, vua nhà Đường đã coi núi Ba Vì như một đầu rồng hùng mạnh, còn thân rồng chạy suốt tời phương Nam (dãy Trường Sơn ngày nay). Để nước Nam không thể phát Vương, vua Đường đã cử Cao Biền (vị tướng kiêm phù thủy) dùng pháp thuật cho đào một trăm cái giếng xung quanh chân núi Ba Vì để trấn yểm tà triệt long mạch nước ta. Nhưng cứ đào gần xong giếng nào thì giếng đó lại bị sập, nên chúng đành phải bỏ cuộc bởi dãy núi thiêng của nước Đại Việt.
Núi Ba Vì là ngọn núi thần kỳ, là một trong những ngọn núi cổ nhất của nước Đại Việt. Những phát hiện về khảo cổ học vùng văn hóa cổ Ba Vì đã chứng tỏ đây là một vùng truyền thuyết lớn phát triển sớm trong lịch sử hình thành dân tộc. Núi Ba Vì còn là nơi ngự trị muôn đời của Thánh Tản Viên – Sơn Tinh, Ngài là vị thần tối linh trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
ST