Phương án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, để trở thành thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ - du lịch đẳng cấp quốc tế vừa mới được Phó Thủ tưởng ký Quyết định thông qua.
Theo đó, phạm vi quy hoạch gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP. Hạ Long với diện tích tự nhiên khoảng 27.753,9ha. Phạm vi nghiên cứu gián tiếp bao gồm các khu vực lân cận TP. Hạ Long là huyện Hoành Bồ, TX. Quảng Yên, TP. Cẩm Phả.
Mục tiêu của quy hoạch là nâng cao vai trò, vị thế của Hạ Long nói riêng cũng như toàn tỉnh Quảng Ninh nói chung. Sẽ phát triển Hạ Long theo hướng trở thành thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện và là trung tâm dịch vụ - du lịch đẳng cấp quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn liền với bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Quy mô dân số Hạ Long đến năm 2030 ước tính khoảng 570.00-600.000 người, trong đó, có khoảng 380.000-400.000 người thường trú và khoảng 190.000-200.000 người quy đổi.
|
Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch chung Hạ Long là nhằm nâng cao vai trò, vị thế của thành phố nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung. Ảnh: Báo Chính phủ. |
Về mặt cấu trúc, sẽ phát triển thành phố theo mô hình đa cực với vị trí trung tâm kết nối là vịnh Cửa Lục, hướng phát triển đô thị theo hành lang ven biển vịnh Hạ Long với 4 vùng phát triển.
Cụ thể, vùng phát triển đô thị về phía Bắc sẽ gắn với hệ sinh thái tự nhiên vịnh Cửa Lục và vùng Nam của huyện Hoành Bồ (thuộc địa phận huyện Hoành Bồ) trở thành vùng đô thị sinh thái, dịch vụ hỗ trợ TP. Hạ Long.
Vùng phát triển đô thị về phía Đông sẽ có chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của thành phố gắn với phát triển không gian đô thị Cẩm Phả.
Vùng phát triển về phía Tây sẽ có chức năng đô thị du lịch, dịch vụ, công nghiệp, cảng... hướng phát triển về phía Nam gắn với vịnh Hạ Long.
Vùng phía Tây mở rộng sẽ có chức năng đô thị sinh thái, biển đảo, vùng bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái tự nhiên; với các trung tâm du lịch - dịch vụ tầm cỡ quốc tế, trung tâm giáo dục, thể dục, thể dục thể thao cấp vùng gắn liền với phát triển không gian đô thị.
Về định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, TP. Hạ Long được định hướng phát triển công nghiệp, chuyển dịch từ hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ cảng sang hoạt động sản xuất công nghiệp, cụm công nghiệp, dịch vụ hậu cần và kho bãi, với quy mô diện tích khoảng 1.416ha.
Về định hướng phát triển du lịch, sẽ phát triển Hạ Long thành khu du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng với các resort cao cấp, cảng tàu khách quốc tế, bến du thuyền, bến thủy nội địa hiện đại đẳng cấp quốc tế tại Bãi Cháy - Hùng Thắng, du lịch văn hóa tại khu vực Hòn Gai, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao tại Tuần Châu, Đại Yên, kết hợp với địa phương lân cận để bổ sung các dịch vụ hỗ trợ du lịch.
Cùng với đó, TP. Hạ Long cũng sẽ thu hút đầu tư hệ thống khách sạn, resort, khu vui chơi giải trí chất lượng cao, nhằm mang đến cho khách du lịch nhiều dịch vụ đa dạng với quy mô đất 524ha.
Tập trung phát triển hệ thống các bãi tắm và dịch vụ công cộng ở các khu vực ven biển như Hồng Gai, Hồng Hà, Hà Phong, Cao Xanh, Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu... nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách và cộng đồng. Cùng với đó, phát triển đa dạng các hoạt động ở khu vực vịnh Hạ Long và vịnh Cửa Lục nhằm phục vụ nhu cầu của các du khách khi tới đây.