Mới đây, Phó Thủ tướng đã gửi văn bản yêu cầu UBND thành phố Hà Nội thực hiện quy hoạch phân khu đô thị Ga Hà Nội và khu vực phụ cận, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hồi giữa tháng 7/2017, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến của các cơ quan chức năng đối với đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận với diện tích 98,1ha. Theo đó, dân số khu vực này khoảng 44.000 người, dân số tái định cư tại chỗ khoảng 40.300 người. Ước tính, kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 23.800 tỷ đồng, trong đó 700 tỷ đồng được lấy từ ngân sách thành phố.
Hà Nội đề xuất quy hoạch khu vực Ga Hà Nội thành 9 phân vùng không gian chức năng cao 40 - 70 tầng. Trong đó, có 6 khu vực được đề xuất xây cao 40 - 70 tầng, bao gồm: Khu ga đường sắt cao ở khu vực trung tâm khu quy hoạch cao 40 - 70 tầng, khu nghỉ dưỡng đô thị tại khu vực trung tâm quy hoạch cao 40 - 60 tầng, khu lối sống mới bố cục phía Tây Nam khu đất cao 40 - 60 tầng, khu truyền thông bố cục phía Đông khu đất cao 40 - 70 tầng, khu kiến trúc ở phía Bắc khu đất lập quy hoạch cao 40 - 70 tầng, khu truyền thông ở phía Đông khu đất cao 40 - 70 tầng, khu tài chính và khu kiến trúc ở phía Bắc khu đất lập quy hoạch cao 40 - 70 tầng.
Trước ý kiến trên của thành phố Hà Nội, Bộ Xây dựng cho rằng, đề xuất xây mới một số công trình cao từ 40 - 70 tầng (tức cao khoảng 200m) ở khu vực Ga Hà Nội là chưa phù hợp với định hướng Quy hoạch chung được phê duyệt năm 2011. Bởi đây là khu vực nội đô lịch sử, cần hạn chế gia tăng dân số và xây dựng nhà ở cao tầng.
Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị thành phố Hà Nội làm rõ và bổ sung quy mô dự báo nhu cầu giao thông cho từng loại hình giao thông như đường bộ, đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, đặc biệt là lưu lượng khách trên tuyến đường sắt đô thị số 1, số 3 và tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi.