Theo đề xuất của Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc - Thành viên Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch TP. Hà Nội, bà Lã Thị Kim Ngân, để chọn được phương án cải tạo chung cư cũ tốt nhất cần tổ chức thi tuyển rộng rãi phương án kiến trúc quy hoạch cho từng khu chung cư.
Đỗ xe, cây xanh tại tầng 1
Bàn về các phương án cải tạo chung cư cũ, bà Lã Thị Kim Ngân cho hay, quỹ đất nội đô hiện khan hiếm, còn mỗi chỉ tiêu sử dụng đất để cân bằng lợi ích. Trong khi đó, mục tiêu của nhà đầu tư là lợi nhuận. Để có thể đưa ra chiều cao phù hợp cho từng khu vực cần nghiên cứu tổng thể, không phải chung cư nào cũng 18 hoặc 23 tầng. Theo bàn Ngân, hình ảnh kiến trúc phải đẹp và có điểm nhấn. Đã là điểm nhấn thì nên chỉ có một chứ không phải là chục điểm nhấn khu Giảng Võ.
|
Công tác cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP. Hà Nội còn nhiều vướng mắc.
(Ảnh: Minh Tuấn) |
Bà Ngân thông tin, tất cả dự án trình bày tại Hội đồng quy hoạch kiến trúc TP có điểm chung là đều gia tăng mật độ xây dựng. Vị này đề xuất: "Tôi đề nghị tổ chức thi các phương án quy hoạch kiến trúc cho từng khu để tận dụng sự sáng tạo, hiệu quả của các ý tưởng và cũng để khách quan hơn. Tiêu chí gồm: Đóng góp cho diện mạo đô thị, gia tăng tiện ích đô thị (cảnh quan, bãi đỗ xe), mật độ xây dựng giảm. Với các phương án tốt cần có điểm thưởng".
Phó Viện trưởng Viện kiến trúc cho biết, các phương án đề xuất đều sử dụng tầng 1 chung cư vào khai thác thương mại thay vì để gia tăng lối đi bộ, cây xanh. Nhà quản lý nên biết kiểm soát lợi ích cũng như lòng tham của nhà đầu tư. Chính quyền TP. Hà Nội có thể thí điểm một dự án rồi rút kinh nghiệm, điều chỉnh. Có vậy mới thoát ra khỏi những trói buộc của chính sách, cơ chế. Tầng 1 nên sử dụng làm các tiện ích giao thông, đỗ xe, cây xanh... Singapore đã sử dụng giải pháp này nhằm tạo sự thông thoáng cho đô thị.
Cải tạo chung cư cũ cần tuân thủ chỉ tiêu quy hoạch, giảm mật độ dân số
Một thành viên Hội đồng quy hoạch kiến trúc TP cho hay, điều bất hợp lý là các dự án cứ phải có biệt thự, nhà liên kế trong khi quỹ đất hạn hẹp, bị khống chế về hệ số sử dụng đất. Phương án quy hoạch sẽ hiệu quả hơn nếu chuyển toàn bộ sang nhà cao tầng. Chính quyền TP có thể trả bằng một quỹ đất khác ngoài trung tâm hoặc bằng tiền trong trường hợp dự án đó không đủ cân đối lợi ích cho nhà đầu tư.
Theo Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Thông, việc cải tạo chung cư cũ cần phải tuân thủ các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, giảm mật độ dân số. Thực tế cho thấy, việc gia tăng mật độ dân số sẽ gây ra nhiều hậu quả, tránh để "mỡ nó rán nó". Vấn đề này cần được TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm cũng như có giải pháp quyết liệt.
Trong khi đó, nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), ông Đỗ Viết Chiến cho rằng: "Hà Nội thiếu tiền thì phải có cơ chế mới để thu hút nhà đầu tư. Hàng trăm khu nhà chung cư cũ tại Hà Nội đang xuống cấp và hết hạn sử dụng đang từng ngày đe dọa tính mạng người dân".
Xây dựng bộ luật về cải tạo chung cư cũ
Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty CP Xây dựng sông Hồng (Incomex) nhìn nhận, để tạo hành lang pháp lý rõ ràng và đầy đủ hơn cần xây dựng bộ luật về cải tạo chung cư cũ. Vị đại diện đặt vấn đề: "Nhiều vướng mắc pháp lý đang đặt ra trong cải tạo chung cư cũ khiến nhà đầu tư và cả chính quyền rất lúng túng. Điển hình như quy định về cưỡng chế, quy định về sự đồng thuận, về giải phóng mặt bằng và vị trí pháp lý của người dân đang sống tại các nhà chung cư cũ. Người dân tại các khu chung cư cũ có thực sự là đối tượng đặc biệt để nhà nước hỗ trợ về nhà ở không?".