Việc Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 vừa qua đã được phê duyệt và công bố. Dù thời gian triển khai chưa dài nhưng đã có tác động lớn đến tâm lý của cả nhà đầu tư và người dân Hà Nội.
Việc Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 vừa qua đã được phê duyệt và công bố. Dù thời gian triển khai chưa dài nhưng đã có tác động lớn đến tâm lý của cả nhà đầu tư và người dân Hà Nội.
Chủ đầu tư lo lắng cho số phận dự án mà mình đang có kế hoạch triển khai hoặc đã "chấm điểm". Người dân băn khoăn về sự phát triển của vùng đất mình đang sinh sống... Có thể thấy, trong quá trình triển khai bước đầu, hàng loạt dự án đã phải tạm dừng để cơ quan có thẩm quyền thẩm định lại chức năng sử dụng đất. Cũng chính vì thế, trước đây dư luận khá ồn ào quanh các quy hoạch phân khu của đô thị "lõi" vì cho rằng các quy hoạch phân khu này sẽ quyết định số phận của toàn bộ các dự án đang phải dừng lại chờ rà soát. Nhưng rồi vấn đề này đã được lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc trấn an, khi thông tin rằng, các dự án rà soát có liên quan đến quy hoạch phân khu không nhiều mà chủ yếu rơi vào khu vực ngoài đô thị trung tâm như Hoài Đức, Đan Phượng...
Để hiện thực hóa Quy hoạch chung Thủ đô, ngày 3/1/2012, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô giai đoạn 2011 - 2015. Trong giai đoạn này, thành phố sẽ tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt tổng số 160 đồ án và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc. Kế hoạch của UBND thành phố cũng xác định hai nhóm chương trình ưu tiên đầu tư trong giai đoạn này, gồm đầu tư xây dựng cải tạo phát triển đô thị mới và các cơ sở kinh tế - xã hội chính; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối thuộc lĩnh vực giao thông, cấp nước, cấp điện và thoát nước thải.
Đây đúng là một công việc lớn trong thời gian tới, có thể gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai. Nhận định như vậy bởi phần lớn những quy hoạch mang tính chất ngành hoặc quy hoạch khu vực khi triển khai trong những năm qua đều có những khó khăn nhất định. Thí dụ như quy hoạch xây dựng các khu chung cư cũ. Trong khoảng 10 năm qua, việc thực hiện chủ trương này tính đến nay chưa đạt 2% kế hoạch. Các dự án triển khai đều chậm, hoặc vấp phải sự phản ứng của một bộ phận người dân sinh sống tại chung cư cũ. Rồi quy hoạch hệ thống thoát nước, hoặc hệ thống hạ tầng giao thông cũng đang luẩn quẩn, nên cứ mưa to là ngập, giờ cao điểm là ùn tắc.
Có ý kiến cho rằng, để giải quyết được bài toán về quy hoạch đô thị không phải chỉ vẽ ra là được mà phải hình thành từ chính sách. Trong đó, quan trọng nhất là chính sách về đất đai, về giao thông và về kiến trúc đô thị. Các chính sách trên hiện nay chưa rõ ràng, chẳng hạn chính sách về đất đai hiện đang làm lợi cho các nhà đầu tư biết nắm bắt cơ hội.
Điều quan trọng, các cấp quản lý cần sớm đưa ra các biện pháp quản lý và xây dựng các chính sách phù hợp để thúc đẩy toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội tham gia thực hiện quy hoạch. Bởi quản lý thực hiện quy hoạch là trọng tâm để tạo ra sự thành công của quy hoạch. Việc xác định được những công trình cần làm ngay là tiền đề định hình cho các khu của bản quy hoạch. Từ đó, có biện pháp quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch đó theo từng giai đoạn như số lượng công trình, số vốn cần, các phương thức huy động vốn như thế nào mới là cốt lõi. Như thế sẽ tránh tình trạng phải điều chỉnh quy hoạch dẫn đến làm chậm tiến độ các công trình.
(Theo Nhân dân)