Tại hội thảo góp ý dự án Luật Nhà ở sửa đổi do Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM tổ chức ngày 16/9, vấn đề về quyền sở hữu nhà ở cho người nước ngoài đã được các đại biểu bàn luận và có những quy định thông thoáng hơn.
Thanh toán đủ là bàn giao nhà
Tại dự thảo, các đại biểu cũng đề xuất trường hợp tặng cho và đổi nhà thì thời điểm chuyển quyền sở hữu được tính từ khi bên tặng cho, bên đổi nhà bàn giao nhà cho bên nhận. Với trường hợp mua bán nhà ở giữa chủ đầu tư với người mua nhà, thời điểm chuyển quyền sở hữu là thời điểm người mua nhận bàn giao nhà.
Đóng góp ý cho dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông tin đề nghị thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là thời điểm đăng ký quyền sở hữu để phù hợp với Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai 2013. Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng việc phân định thời điểm chuyển quyền sở hữu như tại dự thảo là nhằm đảm bảo cho các chủ sở hữu thực hiện được đầy đủ các quyền của mình, đồng thời hạn chế rủi ro cho chủ sở hữu khi tham gia giao dịch.
Theo UBTVQH, nội dung đề xuất mới tại dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi phù hợp với Luật Đất đai 2013, đồng thời cũng không trái Bộ luật Dân sự. Bởi Luật Nhà ở hiện hành cũng như Luật Đất đai 2013 đều không bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu nhà ở mà chỉ thực hiện theo yêu cầu. Bộ luật Dân sự quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Làm thủ tục chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người nước ngoài .
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, ông Lê Hoàng Châu cũng tán thành nội dung trên. Tuy nhiên, theo ông “cần quy định rõ các giao dịch nhà ở phải tuân thủ thêm các quy định pháp luật liên quan cũng như hợp đồng giữa các bên”. Đồng ý kiến với ông Châu, đại diện Sở Tư pháp cũng cho rằng hợp đồng mua bán là căn cứ quan trọng phải tính đến khi xem xét thời điểm chuyển quyền sở hữu hay cấp giấy chứng nhận cho bên mua.
Được phép nhập cảnh sẽ được phép mua nhà
Về quyền mua và sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài, ông Lê Hoàng Châu cho rằng quy định điều kiện cá nhân nước ngoài phải đang học tập, làm việc, sinh sống tại Việt Nam tại dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã làm hạn chế chủ trương mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Theo đó, ông Châu đề nghị “chỉ cần điều kiện cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì có thể mua và sở hữu nhà ở nếu họ có nhu cầu”.
Theo sự phân tích của ông Châu, cần mở rộng đối tượng được quyền mua và sở hữu nhà chứ không nên giới hạn đối tượng là sinh viên và người đang sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam. Bởi với những quy định chặt chẽ về điều kiện được mua nhà như chỉ áp dụng cho người được phép nhập cảnh vào Việt Nam, chỉ cho mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở không cấm người nước ngoài cư trú đi lại, chỉ được mua nhà có giá bán cao hơn mức giá do Chính phủ quy định ... thì chính sách nhà ở trong nước sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam. Đồng thời vấn đề an ninh quốc phòng cũng được đảm bảo. Còn quy định thanh toán tiền mua nhà ở phải thông qua tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam đã giúp phòng, chống nạn rửa tiền.
Ý kiến phân tích của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM đã được đại diện VKSND TP đồng tình.
Đề xuất thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở của dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi không đồng nhất với Bộ luật Dân sự (phải hoàn tất thủ tục đăng ký thì mới chuyển quyền sở hữu). Lý do để Bộ luật Dân sự quy định như trên là để tránh tình trạng một căn nhà bán cho nhiều người. Nếu không đăng ký quyền sở hữu sẽ tiềm ẩn nhiều khả năng tranh chấp và rủi ro cho các bên.
Đại diện VKSND Tp.HCM góp ý tại hội thảo
|