Tại Hà Nội và TPHCM, hàng ngày ước tính có tới hàng trăm tấn rau Trung Quốc được tiêu thụ lẫn trong rau củ có xuất xứ Việt Nam.
Toàn cảnh về chủ đề thực phẩm bẩn tấn công đô thị
Rau “bẩn” từ Trung Quốc tràn lan các khu chợ đô thị
Do mức chênh lệch giá khá lớn nên rau từ Trung Quốc đang đổ vào thị trường Việt Nam khá ồ ạt. Tại Hà Nội và TPHCM, hàng ngày ước tính có tới hàng trăm tấn rau Trung Quốc được tiêu thụ lẫn trong rau củ có xuất xứ Việt Nam.
Giá của các loại rau có xuất xứ Trung Quốc thường rẻ hơn hàng VN từ 20 - 30% nhưng chất lượng đều kém hơn hẳn. Theo các bà nội trợ, các loại bắp cải, xúp lơ, cà rốt, khoai tây, cà chua Trung Quốc...khi nấu đều rất nhạt. Hành tỏi không có mùi thơm; củ gừng không cay, ít thơm...
Theo quan sát của PV Dothi.net, tại chợ rau xanh Long Biên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - chợ đầu mối rau xanh, hoa quả lớn nhất thủ đô vào thời điểm nửa đêm những ngày gần đây chợ chật như nêm cối, thương lái đi rao hàng, người đi mua hàng về bán lẻ qua lại ồn ào. Sản phẩm được giao thương bao gồm nhiều rau củ có nguồn gốc Trung Quốc trong giai đoạn rau củ trong nước có phần khan hàng.
Tại các cửa khẩu vùng biên giới phía Bắc, mỗi ngày có hàng chục tấn rau xanh, củ quả các loại từ Trung Quốc ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam để chuyển về Hà Nội, TP.HCM và một số đô thị khác. Điều đáng nói là phần lớn trong số rau củ quả này đều không qua các khâu kiểm dịch thực vật…
Trong khi rau nhập khẩu chính ngạch có kiểm dịch tại Lạng Sơn khá ít ỏi, một ngày chỉ 5-7 tấn, thì rau Trung Quốc vào Việt Nam lại chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Không đếm được một ngày có bao nhiêu những chuyến xe kéo tay vận chuyển rau qua đường tiểu ngạch.
Theo quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ, những hàng hóa này nếu có giá trị dưới 2 triệu đồng/người/ngày thì được miễn thuế nhập khẩu, vì thế thủ tục thông quan khá đơn giản. Theo các tiểu thương tại chợ Long Biên (Hà Nội) thì hầu hết cải bắp, khoai tây, cà rốt, cà chua, cải thảo, bí đỏ... mà người Hà Nội đang ăn hàng ngày đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thực tế này đang đe dọa sức khỏe người tiêu dùng khi số rau này, thậm chí có cả rau thải loại cũng được người dân tận dụng đem về, đổ tại chợ đầu mối Long Biên và len lỏi vào thành phố cũng như các tỉnh miền Bắc.
Việc kiểm dịch tại cửa khẩu mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra có sinh vật gây hại trên rau, củ, quả hay không chứ chưa kiểm tra được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), chất lượng rau xanh... Còn kiểm dịch y tế mới kiểm tra được thuốc BVTV bằng test nhanh, song cũng chỉ test được hai chất là photphat và cacbamat (thuộc nhóm hóa chất bảo vệ thực vật), còn trên rau xanh Trung Quốc nhập khẩu nếu có các chất thuộc dư lượng thuốc kích thích tăng trưởng hay nhóm thuốc BVTV khác thì cơ quan chức năng này cũng “bó tay”.
Trước tình trạng không thể kiểm duyệt hết thành phần hoá học và xuất xứ của từng loại rau củ nhập về từ Trung Quốc, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, lựa chọn rau quả tươi cần chú ý đến hình dáng bên ngoài: Còn nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát, trầy xước, thâm nhũn ở núm cuống. Cảnh giác với loại quá "mập", "phổng phao"; Về màu sắc: Có màu sắc tự nhiên của rau quả, không úa, héo. Chú ý các loại quả xanh và màu sắc bất thường.
Cách nhận biết rau củ Trung Quốc
Bắp cải, cải thảo Trung Quốc rất tròn và mượt, không bị nhàu, xước, đầu búp uốn vào không bị xoăn. Các rau cải làn, cải thìa, hành, thìa là, rau thơm... chủ yếu đều bó bằng nhiều sợi rơm chập vào nhau và xoắn. Rau cải mớ thường tròn, lá ngắn hơn rau của ta.
Cà chua cuống xanh hoặc hơi phớt hồng trong khi bên ngoài đã tròn đỏ căng do họ dấm cả cót lớn. Các loại củ như cà rốt, củ cải và quả su su thường to hơn của ta, các rãnh củ rất nông và da trơn, sờ vào rất mát.
Su hào Trung Quốc thường to tròn, dẹt như bánh xe, vỏ xanh thẫm, sờ mát tay; súp lơ thì to và trắng hơn.
Cà rốt Trung Quốc củ đỏ tươi, to đều, da láng bóng, phần lá bị cắt sạch; khác với cà rốt Việt Nam củ nhỏ, màu nhạt hơn, kích thước không đều nhau và còn nguyên phần cuống lá
Bí đỏ Trung Quốc quả dài, có màu sắc rất đỏ đẹp trong ruột nhưng ăn nhạt, không ngọt thơm như bí Việt Nam. Bí đỏ Việt Nam thì thường là quả tròn, hơi bẹp.
Cảnh giác với loại quá "mập", "phổng phao"; Về màu sắc: Có màu sắc tự nhiên của rau quả, không úa, héo. Chú ý các loại quả xanh và màu sắc bất thường. Chú ý cảm giác "nhẹ bỗng" của một số rau xanh được phun quá nhiều chất kích thích tăng trưởng và hoá chất bảo vệ thực vật; Nhiều loại quả còn dính hoá chất bảo vệ thực vật trên lá, cuống lá, núm quả, cuống quả... có các vết lấm tấm hoặc vết trắng; Nếu lượng hoá chất bảo vệ thực vật tồn dư nhiều, ngửi thấy mùi hắc, mùi hoá chất bảo vệ thực vật.
Nông sản Trung Quốc thường có các chất bảo quản nên láng bóng, có thể để được rất lâu, ở nhiệt độ bình thường bên ngoài từ 3 - 7 ngày mà không bị hỏng. Ví như xúp lơ Việt Nam thì thường còn nguyên lá, phần bông chia không đều (chỗ thưa chỗ dày); còn hàng từ Trung Quốc thì bị cắt hết phần cuống và lá, màu trắng phau, bông cuốn rất chặt.
Khoai tây Trung Quốc dài, đẹp, màu nhạt, da bóng, khác với khoai tây Việt Nam tròn, da ửng hồng. Tỏi Trung Quốc có củ và tép thường lớn, màu trắng, dễ lột vỏ hơn; tỏi Việt Nam có củ nhỏ, màu nâu tía. Hành tím Trung Quốc củ to, không có tép nhỏ bao quanh, màu đỏ nhạt. Gừng Trung Quốc cũng rất lớn, màu vàng óng, khác với gừng Việt Nam củ nhỏ, da sần sùi...
TH (tổng hợp)