Ngày 10/7, Bộ Xây dựng đã tổ chức lấy ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị, sẽ trình Chính phủ vào tháng 8 tới. Một trong những điểm mấu chốt được đề cập trong dự thảo là "đưa đô thị vào quy củ".
Ngày 10/7, Bộ Xây dựng đã tổ chức lấy ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị, sẽ trình Chính phủ vào tháng 8 tới. Một trong những điểm mấu chốt được đề cập trong dự thảo là "đưa đô thị vào quy củ".
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, Luật Quy hoạch Đô thị rất quan trọng, sẽ góp phần chắp nối các lĩnh vực khác nhau trong quản lý quy hoạch đô thị để công dân có thể tham gia vào quá trình hoạch định và quản lý quy hoạch.
Cả nước hiện có 743 đô thị (từ loại 5 đến loại đặc biệt), nhưng hiện có nhiều bất cập, chẳng hạn phát triển tự phát, chưa đồng bộ với tăng trưởng kinh tế, xã hội. Việc quản lý đô thị còn phân tán, chồng chéo, phối hợp kém nên hiệu quả chưa cao... Ngoài ra, dân số tăng nhanh, mật độ cao, gây áp lực, quá tải cho hệ thống cơ sở hạ tầng và các dịch vụ, môi trường ô nhiễm...
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị và các vấn đề liên quan chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, hiệu lực pháp lý thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý toàn diện về xây dựng phát triển đô thị. Quản lý nhà nước về xây dựng, phát triển đô thị còn phân tán, chồng chéo, không thống nhất rõ ràng, không rõ trách nhiệm. Sự phối hợp trong quản lý giữa các cơ quan trung ương và địa phương và giữa các ngành chưa tốt…
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị sẽ giải quyết những vấn đề trên. Ngoài ra, quy trình, thủ tục về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị phức tạp và mất nhiều thời gian sẽ có những quy định cụ thể. Việc tổ chức triển khai thực hiện cũng như việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch được duyệt cũng sẽ được rõ ràng. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, hiện dự thảo chưa rõ ràng về việc giới thiệu đại biểu, cấp giấy phép quy hoạch và thời gian kéo dài bao lâu.
Ông Nguyễn Viết Hưng, Chủ tịch UBND TP Nam Định đề xuất: "Việc tham vấn cộng đồng phải được thực hiện ngay từ đầu, từ khi bàn bạc ý tưởng quy hoạch, lựa chọn quy hoạch. Khi xây dựng quy hoạch chi tiết 1/500, chủ dự án phải tham vấn cả các hộ trong phạm vi dự án, điều này không khó, và có tính khả thi cao".
Về bộ mặt đô thị, để khắc phục tình trạng nhà ổ chuột, nhà siêu mỏng, siêu méo, dự thảo luật quy định những thửa đất và công trình xây dựng trên diện tích đất nhỏ hơn 15 m2 sẽ không được cấp phép xây dựng, khi Nhà nước thu hồi cũng không đặt vấn đề bồi thường bằng quỹ đất hoặc công trình mà chỉ bồi thường bằng tiền.
Nhưng một số đại biểu lo lắng cho quyền lợi của những người dân có quyền sử dụng những mảnh đất nhỏ ở đô thị bởi họ đa phần là dân nghèo. Nếu trong trường hợp không được bồi thường bằng quỹ đất hoặc công trình khi thu hồi sẽ khó khăn cho người dân trong việc tạo lập chỗ ở mới.
Thứ trưởng Trần Ngọc Chính cho biết, ban soạn thảo đã tính toán đến vấn đề này nhưng kiên quyết bảo lưu quan điểm đô thị phải được chỉnh trang với không gian và kiến trúc đẹp hơn mà không phải chỉ được hình thành bằng những căn nhà siêu mỏng. “Khuyến khích người dân đô thị hợp khối trong trường hợp diện tích xây dựng quá nhỏ, nhưng trong trường hợp không thể thể, sẽ phải xây dựng cơ chế Nhà nước mua lại những mảnh đất như vậy phục vụ mục đích công cộng”, ông Chính nói.
Thiết kế đô thị được coi là một phần bắt buộc trong đồ án quy hoạch đô thị được duyệt nhằm đảm bảo công tác quản lý đô thị và giảm phiền hà cho người dân. Nhưng theo ý kiến của đại biểu Trần Hồng Phi, thiết kế đô thị chỉ nên được làm cùng với quy hoạch chi tiết 1/500. Điều lệ quy hoạch cũng cần thiết nhưng “chưa đủ căn cứ để làm với đồ án quy hoạch chung”.
Nguyên kiến trúc sư trưởng Hà Nội, ông Đào Ngọc Nghiêm, cho rằng không nên "vực dậy một thây ma đã chết” khi nói về chủ trương thiết lập chế độ kiến trúc sư trưởng. Theo ông Nghiêm, kiến trúc sư trưởng là một mô hình mang tính cá nhân, và hiện thì vai trò cá nhân không được chú trọng. Trên thế giới, cách làm này cũng không còn tồn tại. "Việc lập Hội đồng kiến trúc quy hoạch với sự tham gia của các chuyên gia và hội nghề nghiệp có lẽ là giải pháp phù hợp hơn", ông Nghiêm cho biết.
Trái với quan điểm của ông Nghiêm, ông Chính cho biết Bộ Xây dựng đang làm đề án kiến trúc sư trưởng và được các địa phương tán thành. Kiến trúc sư trưởng sẽ là nhạc trưởng giúp Chủ tịch thành phố định hướng chiến lược, quản lý đô thị. Nếu Thủ tướng chấp thuận, đề án về kiến trúc sư trưởng sẽ được đưa vào trong Luật quy hoạch đô thị.
Theo Thứ trưởng Trần Ngọc Chính, Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu, nghiên cứu những đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị, sớm trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tâm Anh