Để phát triển hệ thống giao thông vận tải, Hà Nội dự tính sẽ xây dựng 16 cầu vượt sông Hồng. Hiện 4 cầu đã hoàn thành, hai cầu khác đang được xây dựng là: Nhật Tân và Vĩnh Thịnh
Để phát triển hệ thống giao thông vận tải, Hà Nội dự tính sẽ xây dựng 16 cầu vượt sông Hồng. Hiện 4 cầu đã hoàn thành, hai cầu khác đang được xây dựng là: Nhật Tân và Vĩnh Thịnh
Ngày 13/7, với 92,5% số phiếu tán thành, Hội đồng Nhân dân Hà Nội đã thông qua Đồ án Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Đồ án này, Hà Nội dự kiến đến năm 2030, Thủ đô sẽ phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch xây dựng đô thị để đảm bảo tỷ lệ đất giao thông khu vực đô thị trung tâm chiếm 20% - 26%; đô thị vệ tinh chiếm 18% - 23% và các thị trấn chiếm 16% - 20%.
Với vận tải hành khách công cộng, Đồ án tập trung ưu tiên cho phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm năm 2020 chiếm 35% tổng lượng hành khách, năm 2030 khoảng 50-55%, sau 2030 đạt 60-65%; các đô thị vệ tinh năm 2020 chiếm 20%; năm 2030 khoảng 40%, sau 2030 đạt tối đa 50%.
Trong Đồ án được các đại biểu HĐND thông qua sáng nay, Hà Nội dự báo nhu cầu vận tải hành khách đến năm 2030, tổng nhu cầu đi lại trong khu vực Thủ đô đạt khoảng 27,7 triệu chuyến đi/ngày đêm (Nhu cầu đi lại hiện tại hàng ngày là 17,6 triệu chuyến đi/ngày đêm.
Mạng đường bộ đối ngoại bao gồm đường cao tốc, đường quốc lộ và 2 vành đai liên vùng. Các đường cao tốc hướng tâm có điểm đầu tại đường vành đai 3 kết nối với đường cao tốc đô thị trên vành đai 3 thành mạng.
Cụ thể, hệ thống đường đối ngoại được quy hoạch như sau: Xây dựng 9 tuyến đường cao tốc 6 – 8 làn xe song hành với các quốc lộ có lưu lượng lớn. Đường Đại lộ Thăng Long và Pháp Vân – Cầu Giẽ sẽ được quy hoạch là cao tốc đô thị.
Cải tạo, mở rộng 9 tuyến quốc lộ hướng tâm hiện tại lên thành đường có 4 đến 6 làn xe cơ giới. Xây dựng 4 trục đường nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh với tổng chiều dài 85km; quy mô mặt cắt ngang mỗi đường có chiều rộng 40 tới 60m cho tối thiểu 6 làn xe cơ giới.
Xây dựng 27 trục đường tỉnh, đường liên huyện có tính chất quan trọng với tổng chiều dài 554km theo quy mô đường cấp III và cấp II đồng bằng trên cơ sở các đường tỉnh theo Quy hoạch 1881 và bổ sung các trục mới gồm: Đường trục phát triển kinh tế Bắc – Nam, Đường trục phát triển kinh tế phía Nam, Trục Đỗ Xá - Quan Sơn, Đường trục Miếu Môn – Hương Sơn,...
Cải tạo và xây dựng mới 150 nút giao khác mức giữa các đường cao tốc, đường trục chính đô thị với các đường ngang với số lượng nút cho mỗi khu vực gồm: Đô thị trung tâm 102 nút; đô thị vệ tinh Sơn Tây 3 nút; đô thị vệ tinh Hòa Lạc 7 nút; đô thị vệ tinh Xuân Mai 4 nút; đô thị vệ tinh Phú Xuyên 6 nút; đô thị vệ tinh Sóc Sơn 1 nút; khu vực khác 27 nút. Đối với một số nút giao trong nội đô lưu lượng giao thông lớn ưu tiên xây dựng các cầu vượt cho tải trọng nhẹ để giải quyết cấp bách tình trạng ùn tắc giao thông.
Hà Nội chủ trương xây dựng 16 công trình đường bộ vượt sông Hồng, trong đó có 4 cầu đã xây dựng; 2 cầu đang triển khai là Nhật Tân trên đường vành đai 2 và Vĩnh Thịnh trên đường vành đai 5; cải tạo nâng cấp cầu Long Biên thành cầu đô thị; xây dựng mới 10 cầu.
Xây dựng 8 cầu qua sông Đuống, trong đó có 3 cầu hiện đang sử dụng; 1 cầu đang xây dựng là cầu Đông Trù thuộc dự án đường 5 kéo dài. Xây dựng mới 4 cầu. Xây dựng 3 cầu qua sông Đà, trong đó có cầu Trung Hà hiện đang được sử dụng. Xây dựng cầu Trung Hà mới trên tuyến cao tốc phía Tây và cầu Đá Chông.
Quy hoạch hạ tầng đường sắt, đường sắt đô thị và xe buýt nhanh
Với đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Hà nội dự tính xây dựng đường sắt cao tốc đi qua khu vực thành phố Hà Nội sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi, đi song song với đường sắt thống nhất hiện tại, có xem xét tránh khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên và kết thúc phạm vi Hà Nội sau khi đi qua địa phận huyện Phú Xuyên.
Xây dựng 5 ga lập tầu gồm: Hà Nội, Yên Viên, Cổ Bi, Ngọc Hồi và Bắc Hồng; trong đó ga Hà Nội chỉ lập tầu khách, ga Bắc Hồng chỉ lập tầu hàng, các ga còn lại lập cả tầu khách và hàng. Xây dựng 6 ga kết nối với đường sắt đô thị, nối ray hoặc dự phòng cho các ga đầu mối;
Hệ thống đường sắt đô thị bao gồm 8 tuyến gồm: Tuyến số 1: Ngọc Hồi – Ga trung tâm Hà Nội - Yên Viên, Như Quỳnh; Tuyến số 2: Nội Bài – Nam Thăng Long - Thượng Đình – Vành đai 2,5 – Hoàng Quốc Việt; Tuyến số 2A: Cát Linh - Ngã tư Sở - Hà Đông; Tuyến số 3: Trôi - Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai; Tuyến số 4: Mê Linh - Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy/Hoàng Mai – VĐ2,5- Cổ Nhuế -Liên Hà; Tuyến số 5: Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Đại lộ Thăng Long – Vành đai 4.
Tuyến số 6: Nội Bài – Phú Diễn – Hà Đông – Ngọc Hồi; Tuyến số 7: Mê Linh – Đô thị mới Nhổn, Vân Canh, Dương Nội với chiều dài 27.63km, tuyến đi cao với tổng số 23 ga và 1 đề pô; Tuyến số 8: Sơn Đồng - Mai Dịch - Vành đai 3- Lĩnh Nam – Dương Xá. Tuyến này giai đoạn đầu khai thác đường sắt đô thị từ Sơn Đồng – Mai Dịch tới trung chuyển với tuyến số 2. Đoạn Mai Dịch tới Dương Xá giai đoạn đầu sử dụng xe buýt nhanh. Khi lưu lượng tăng lên sẽ xây dựng đường sắt đô thị.
Ngoài ra, thành phố sẽ phát triển 9 tuyến xe buýt nhanh gồm: (1) Kim Mã – Lê Văn Lương – Bến xe Yên Nghĩa, chiều dài 14,3km; (2) Lê Trọng Tấn – trục Hà Đông Xuân Mai – Thạch Bích – Chúc Sơn, chiều dài 17km; (3) Ngọc Hồi – Phú Xuyên (đi theo QL1 cũ), chiều dài 27,1km; (4) Tây Thăng Long, chiều dài 27km; (5) Phù Đổng – Kiêu Kị, chiều dài 15,7km; (6) Gia Lâm – Mê Linh, chiều dài 29,8km; (7) Vành đai 4, chiều dài 53,2km; (8) Mỹ Đức – Phú Xuyên, chiều dài 27,6km; (9) Xuân Mai – Mỹ Đức, chiều dài 30,3km.
(Theo VnMedia)