Đến năm 2015, dự báo dân số đô thị cả nước khoảng 35 triệu người, chiếm 38% dân số cả nước và năm 2025 khoảng 52 triệu người, chiếm 50%.
Đến năm 2015, dự báo dân số đô thị cả nước khoảng 35 triệu người, chiếm 38% dân số cả nước và năm 2025 khoảng 52 triệu người, chiếm 50%.
Nhằm triển khai điều chỉnh Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 4/2009, Bộ Xây dựng đang khẩn trương hoàn thành quá trình nghiên cứu, xây dựng Chương trình khung phát triển đô thị quốc gia cho 5 và 10 năm tới (chương trình khung).
Dự kiến, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 6/2010, Bộ Xây dựng sẽ lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành cho chương trình khung.
Một trong những nội dung quan trọng mà chương trình khung đề cập là sắp xếp, hình thành mạng lưới đô thị thống nhất trong cả nước. Theo đó, đến năm 2015, dự báo dân số đô thị cả nước khoảng 35 triệu người, chiếm 38% dân số cả nước và năm 2025 khoảng 52 triệu người, chiếm 50%. Về chỉ tiêu sử dụng đất xây dựng đô thị, Bộ Xây dựng dự báo năm 2015 sẽ là 335 nghìn héc-ta, chiếm 1,06% diện tích tự nhiên cả nước, trung bình đạt 95m2/người và năm 2050 nhu cầu sẽ khoảng 450 nghìn héc-ta, chiếm 1,4%, trung bình 85 m2/người.
Cũng theo dự thảo chương trình khung, trên cơ sở 5 TP trực thuộc Trung ương là các đô thị loại đặc biệt và loại I, gồm Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, khi đủ điều kiện sẽ phát triển thêm 3 TP nữa là Huế, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột nhằm tạo thế cân bằng giữa các miền Bắc - Trung - Nam.
Bên cạnh việc tăng cường vai trò của 95 TP, thị xã thuộc tỉnh gồm các đô thị loại I, II và III (là các đô thị trung tâm cấp vùng và cấp tỉnh hiện nay), Chương trình khung cũng đặt mục tiêu khi có đủ điều kiện sẽ nâng cấp 12 thị xã là đô thị loại III và IV hiện nay là trung tâm tỉnh lỵ, trở thành TP trực thuộc tỉnh, nhằm xây dựng một mạng lưới đô thị trên cơ sở các đô thị trung tâm các cấp. Chương trình khung nêu rõ: Hạn chế nâng cấp các huyện thành thị xã, xã thành phường khi chưa có đầy đủ các tiêu chuẩn về phân loại đô thị nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất và chất lượng đời sống dân cư.
Chương trình khung đồng thời đề ra việc mở rộng mạng lưới các thị trấn trên cơ sở 649 đô thị loại V hiện có lên khoảng 800 thị trấn, bảo đảm mỗi huyện trung bình có từ 2 - 3 thị trấn làm trung tâm cho các tiểu vùng và xây dựng tập trung mạng lưới các trung tâm cụm xã, các khu vực có điều kiện đặc biệt, có đủ điều kiện nâng lên thành các thị trấn. Các đô thị mới gắn liền với sự phát triển của các khu kinh tế tổng hợp ven biển, các khu kinh tế cửa khẩu và tại các đảo gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, đảo, giữ vững quốc phòng, an ninh bảo vệ tổ quốc… cũng sẽ được hình thành.
Ngoài ra, chương trình khung còn đề cập đến một số nội dung quan trọng khác như phát triển nhà ở đô thị; tổ chức phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị (bao gồm giao thông, cấp - thoát nước, quản lý chất thải rắn, cung cấp năng lượng, thông tin - bưu điện); bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn cân bằng sinh thái đô thị; các giải pháp về cơ chế, chính sách chủ yếu cho phát triển đô thị.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, chương trình khung đề xuất 12 chương trình triển khai cụ thể.
(Theo Xây dựng)