Hai năm gần đây, khi thị trường nhà ở có dấu hiệu hồi phục với sự trở lại của các nguồn đầu tư (trong và ngoài nước) vào ngành xây dựng, giới quản lý cũng rốt ráo triển khai những đề án, chế tài giám sát liên quan.
Các sai phạm điển hình
Đầu năm 2014, TP Hà Nội ra văn bản chỉ đạo xử lý sau thanh tra nhiều doanh nghiệp có sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, vi phạm nghĩa vụ tài chính… Trong só đó, Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà & đô thị (HUD) bị yêu cầu nộp lại ngân sách số tiền chuyển nhượng lô đất tại Khu đô thị mới Định Công.
Mặt khác, Hà Nội yêu cầu HUD nghiêm túc kiểm điểm vì không thực hiện đúng quy định về đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, quy hoạch chi tiết, điều lệ xây dựng tại dự án Khu đô thị mới Mỹ Đình II (Từ Liêm).
HUD đã chuyển nhượng hạ tầng kỹ thuật gắn liền với đất tại ô đất CC3A, B, C cho 03 công ty khác để xây dựng nhiều công trình… Hà Nội chỉ đạo cho các doanh nghiệp này 03 tháng để lập hồ sơ, hoàn thiện thủ tục pháp lý về đầu tư, quản lý, sử dụng đất và trình TP xem xét. Trường hợp không thực hiện sẽ bị thu hồi đất.
Trong khi đó, thanh tra của Sở Tài nguyên Môi trường còn bóc tách nhiều doanh nghiệp vi phạm trong quản lý đất tại các dự án khu đô thị mới, sử dụng đất nông nghiệp… Một số dự án triển khai chậm tiến độ cam kết, chưa nộp thuế cho Nhà nước dù đã nhận bàn giao đất.
Đơn cử như dự án Trung tâm tài chính thương mại và công trình phụ trợ (Khu đô thị mới Mỗ Lao, Hà Đông) do TSQ Việt Nam là chủ đầu tư, Hà Nội yêu cầu cơ quan thuế kiểm tra, truy thu tiền thuê đất của dự án này (không gồm lô đất CT 01 đã nộp tiền sử dụng đất và 1.800m2 đất chưa giải phóng mặt bằng xong).
Vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được giao đất, cho thuê đất,
chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án vẫn còn diễn ra dưới
nhiều hình thức và mức độ. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).
Quý IV/2015, số liệu từ HĐND TP Hà Nội cho thấy toàn cảnh tình hình vi phạm pháp luật đất đai vẫn rất nghiêm trọng. Từ năm 2009 đến 2014, chính quyền TP đã ban hành 64 Quyết định thu hồi đất và bãi bỏ quyết định cho thuê đất, giao đất của 60 tổ chức vi phạm với tổng diện tích đất thu hồi là 1.807 ha.
Từ tháng 10/2012 đến đầu năm 2015, trên cơ sở kiểm tra, thanh tra 215 dự án, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định thu hồi đất 17 dự án, cho phép gia hạn thời gian thực hiện đối với 16 dự án; đồng thời, chỉ đạo xử lý, khắc phục sau kiểm tra, thanh tra 117 dự án và 42 dự án đã có kết luận thanh tra, đang thực hiện kết luận.
Tình hình vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được cho thuê đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án vẫn còn diễn ra dưới nhiều hình thức và mức độ.
Theo đó, phổ biến là chậm đưa đất vào sử dụng trên 12 tháng liên tục kể từ khi được giao đất trên thực địa (209 dự án), chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính (72 dự án với số tiền 4.715 tỷ đồng tính đến hết 31/3/2015); chậm tiến độ thực hiện dự án trên 24 tháng (172 dự án).
Tăng cường quản lý, sử dụng đất
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo về các giải pháp liên quan tới vấn đề đất đai nhằm tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, nhằm bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để thực hiện cổ phần hóa.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp, chủ trì với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. Mặt khác, giao Bộ Tài chính phối hợp, chủ trì với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, bổ sung, sửa đổi Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê mặt nước, thuê đất; Nghị định 59/2011/NĐ-CP; Nghị định số 189/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Bên cạnh đó, nghiên cứu xác định đầy đủ giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, tính đầy đủ giá trị lợi thế (vị trí địa lý) vào giá trị để cổ phần hóa nếu doanh nghiệp lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. Các nhiệm vụ trên phải thực hiện trong tháng 12/2016.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh thành trực thuộc Trung ương rà soát việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa, nếu doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất thì thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Điều 118, Luật Đất đai năm 2013, thực hiện báo cáo Thủ tướng trước ngày 01/02/2017.
Nhiều chuyên gia cho rằng đang tồn tại “kẽ hở” trong hoạt động cổ phần hóa ở nhiều doanh nghiệp sở hữu quỹ đất đai rất giá trị.
Nguồn cơn đến từ việc “vênh” nhau trong việc đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp ở Luật Đất đai 2003 và Luật đất đai 2013. Do đó, gần đây các cổ đông chiến lược tham gia đấu giá cổ phần của doanh nghiệp chủ yếu nhắm tới những quỹ đất rộng, vị trí đắc địa hứa hẹn phía sau.