Ở Quảng Ngãi, nhiều khu tái định cư (TĐC) được xây dựng để di dời dân
vùng sạt lở, vùng ngập lụt... nhưng nhiều người dân không thể vào ở vì
nhiều lý do.
Ở Quảng Ngãi, nhiều khu tái định cư (TĐC) được xây dựng để di dời dân vùng sạt lở, vùng ngập lụt... nhưng nhiều người dân không thể vào ở vì nhiều lý do.
Có khu TĐC được đầu tư bài bản nhưng dân không có tiền cất nhà. Có khu TĐC khi dân vào cất nhà thì không thể sống nổi vì thiếu điện, nước, đi lại khó khăn...
Chê tái định cư
Khu TĐC Gò Mít (thôn Phú Thuận Tây, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) có gần 20 ngôi nhà được xây nhưng nay chỉ có bốn hộ còn sinh sống, các nhà khác đều cửa đóng then cài. Bà Tôn Thị Hoa là một trong số ít hộ dân còn bám trụ. Ba năm nay, bà Hoa vẫn phải sử dụng đèn dầu vì không có điện. “Điện không, nước cũng không. Vô đây thấy vầy nhưng cũng phải cố chịu đựng vì không thể về lại nơi sạt lở cũ” - bà Hoa than thở. Tay bồng con thơ, chị Nguyễn Thị Bé Phương kể: “Vợ chồng tôi thấy cũng buồn nhưng giờ đi thì không biết đi đâu. Chỉ tội cho mấy đứa con phải sống trong bóng tối”.
Ông Tôn Long Cần, chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận, cho biết khu TĐC này được đầu tư từ năm 2008 trên diện tích 3ha với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng để di dời 30 hộ dân vùng sạt lở, vùng ngập lụt ở xã này. Tuy nhiên, khu TĐC nằm trên đồi cao nhưng đơn vị thi công đào giếng nước theo thiết kế nên chưa chạm tới mạch nước khiến tất cả giếng nước đều trơ đáy vào mùa nắng. Điện lưới quốc gia thì chỉ vài trụ điện và suốt ba năm nay không thấy kéo dây vào cung cấp điện cho dân. “Một khu TĐC thiếu thốn như vậy làm sao dân vào ở được. UBND xã đã kiến nghị nhiều lần về việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở khu TĐC Gò Mít 1, đặc biệt là vấn đề nước sinh hoạt và điện thắp sáng cho dân, nhưng đến nay mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết” - ông Cần nói.
Khu TĐC Triền Đông Núi Bé, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành xây dựng từ năm 2008 để đưa khoảng 40 hộ dân vùng lũ, vùng sạt lở vào ở nhưng chỉ có hơn 20 hộ dân đang sinh sống. Tương tự khu TĐC Gò Mít 1, ở đây không có nước vào mùa nắng, điện chưa đấu nối. Theo ông Phan Bình - chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành, trên địa bàn huyện có bốn khu TĐC và cả bốn đều chưa được hoàn thành cơ sở hạ tầng.
Khu TĐC Nước Cây Trường, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng được đầu tư xây dựng từ năm 2009 và hoàn thành vào năm 2010 để đưa khoảng 20 hộ dân vào ở nhưng đến nay vẫn là khu TĐC không dân. Ông Trần Văn Sương, phó chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, cho biết dân không vào ở do số tiền Nhà nước hỗ trợ chỉ 10 triệu đồng/hộ, không đủ để cất nhà.
Do thiếu vốn
Theo Chi cục Hợp tác xã và phát triển nông thôn Quảng Ngãi (thuộc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi) - chủ đầu tư các khu TĐC nói trên, trên địa bàn tỉnh có bốn khu TĐC chưa kéo điện cho dân, nhiều khu khác chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng.
Ông Đỗ Kỳ Ân, chi cục trưởng, giải thích do thiếu vốn. Trước đây, nguồn vốn bố trí xây dựng khu TĐC từ trung ương (theo quyết định 193 của Chính phủ). Đến năm 2010, tỉnh Quảng Ngãi nằm trong tốp thu ngân sách trên 10.000 tỉ đồng nên theo quy định của trung ương, tỉnh tự cân đối ngân sách chi trong năm 2011. Do vậy, tỉnh gặp nhiều khó khăn để bố trí vốn TĐC cho dân.
Hiện chi cục đang nợ gần 5 tỉ đồng tiền chi trả cho việc xây dựng ở các khu TĐC đã thi công. Chi cục đang cần nguồn kinh phí khẩn cấp khoảng 19 tỉ đồng để giải quyết nợ và hoàn thiện các khu TĐC xây dựng dang dở nhằm ổn định cuộc sống cho dân. “Chi cục đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí trên. Nếu được bố trí thì chúng tôi sẽ tập trung ngay vào việc xây dựng hoàn tất các công trình cấp thiết ở các khu TĐC, đặc biệt là vấn đề điện, nước sinh hoạt ngay trong năm nay” - ông Ân nói.
Năm 2011, tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt đầu tư xây dựng nhiều khu TĐC mới cho dân vùng lũ, vùng sạt lở với tổng vốn đầu tư khoảng 27 tỉ đồng để TĐC cho 487 hộ dân có nơi ở ổn định. Tuy nhiên, theo ông Ân, đến nay vẫn chưa thể thi công do không có kinh phí.
|
(Theo Tuổi Trẻ)