Hàng năm, cứ đến đầu tháng 12 Âm lịch trở đi, khi mùa màng đã thu hoạch
xong, mỗi gia đình người Dao lại tổ chức ăn Tết “năm cùng”, để báo công
với ông bà tổ tiên thành quả của một năm lao động của gia đình...
Hàng năm, cứ đến đầu tháng 12 Âm lịch trở đi, khi mùa màng đã thu hoạch xong, mỗi gia đình người Dao lại tổ chức ăn Tết “năm cùng”, để báo công với ông bà tổ tiên thành quả của một năm lao động của gia đình...
Phong tục của người xưa
Trong một năm, theo phong tục của người Dao có 3 cái Tết quan trọng là tết Thanh minh, rằm tháng Bảy và Tết năm cùng nhưng quan trọng nhất vẫn là Tết năm cùng. Vì đây là dịp báo cáo với ông bà tổ tiên về một năm lao động của gia đình, dòng họ.
Đối với cộng đồng người Dao sống ở miền Tây Thanh Hóa nói chung và người Dao ở huyện Cẩm Thủy nói riêng, cuối năm là dịp để con cháu đi làm ăn xa trở về báo hiếu với gia đình và dòng họ. Ngay từ đầu tháng 12 Âm lịch, tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình để tổ chức một cái Tết thật linh đình. Đây là dịp để anh em họ hàng tập trung nhau lại để góp cỗ làm Tết cho thật to, nhà ai có gì góp nấy, nhưng quan trọng nhất là trưởng họ.
Từ đầu tháng 9 Âm lịch, trưởng họ đã phải chuẩn bị gạo nếp ngon, nuôi lợn, nuôi gà để cuối năm khao cả họ. Nếu năm nào họ hàng và bạn bè đến đông thì Tết được xem là đầm ấm và đông vui.
Gia đình ông Phùng Văn Thái ở thôn Sơn Lập, xã Cẩm Châu, năm nay cũng tổ chức Tết năm cùng, nhưng không được to như mọi năm vì một năm qua, gia đình ông làm ăn không được thuận buồm xuôi gió. Để chuẩn bị cho cái Tết quan trọng này, gia đình ông cũng nuôi được con lợn 60kg và một yến gà để làm lễ báo cáo với tổ tiên về một năm lao động vất vả. Năm nay tất cả họ hàng nội ngoại trong gia đình ông đều có mặt đông đủ, lợn đã thịt sẵn, chỉ chờ các cụ cao tuổi có chức sắc đến làm lễ cúng báo cáo ông bà tổ tiên.
Nét đặc biệt nhất của Tết năm cùng là làm bánh dầy. Đây là truyền thống lâu đời của người Dao. Mỗi khi đến Tết, những trai làng khoẻ mạnh nhất, nhiệt tình nhất đều có mặt để tham gia vào việc giã bánh. Ngay giữa mùa đông lạnh giá nhưng để giã được một khối bánh, các thanh niên khoẻ mạnh, ai nấy cũng vã mồ hôi.
Bánh dầy được làm từ gạo nếp đồ thành xôi chín rồi đổ vào cối đá cho 4-5 thanh niên cùng nhau giã, họ giã đến khi nào những hạt cơm nếp nhuyễn ra tạo thành một khối dẻo dứt không ra mới thôi. Sau đó bột được nặn thành từng cái một chấm với muối vừng ăn. Để bánh ngon hơn, dẻo hơn thì trước đó nhà chủ phải chọn gạo nếp thật ngon, ngâm từ đêm hôm trước đến hôm sau mới mang ra đồ, có như vậy thì bánh mới để được lâu. Mẻ bánh đầu tiên tất cả mọi người không ai được nếm hay thử vì đây là mẻ bánh dành để cúng ông bà tổ tiên, từ mẻ bánh thứ hai trở đi mọi người mới được ăn, các cụ cao tuổi là người được thử trước.
Đối với người Dao thì nghi lễ báo công phải mời các thầy cúng có chức sắc trong làng đến tham gia làm lễ, họ là những người có mặt sớm nhất để lo cho buổi lễ khỏi thiếu sót. Người Dao trong không quan trọng vật lễ, gia đình có gì thì cúng cái đó. Tuỳ vào điều kiện kinh tế từng gia đình, nhà ai có điều kiện làm càng to càng tốt nhưng đầu lợn và gà trống, bánh dầy là những thứ không thể thiếu.
Từ đầu thang 12 Âm lịch trở đi, bà con người Dao đã được sống trong không khí những ngày Tết tràn đầy hạnh phúc và vui tươi, trong nhà ngoài ngõ ai ai cũng mang trong mình một hơi men ngày Tết. Với họ Tết năm cùng là quan trọng nhất. Bao nhiêu tiền của để dành trong một năm cũng dồn vào đây hết. Trong một năm, mỗi trưởng họ đều chuẩn bị 30 - 40 triệu để lo cho 3 cái tết: Thanh Minh, Rằm tháng 7 và Tết năm cùng, tốn kém nhưng nhà ai cũng làm vì họ cho rằng đây là truyền thống ông cha để lại.
Bữa cơm ngày Tết
Sau khi tất cả những lễ vật được bày trước bàn thờ gia tiên, thầy cúng có chức sắc nhất đứng trước bàn thờ cầm “Gậy thần” (chiếc gậy có một đầu nhọn bịt bằng sắt, đầu kia tiện hoa văn rất đẹp, luôn đặt ở vị trị trang trọng nhất của bàn thờ) và một cành lá tươi, đại diện cho gia chủ báo cáo quá trình một năm lao động và xin gia tiên phù hộ cho một năm mới đạt được nhiều thành tựu hơn. Sau khi cành lá được thầy cúng cắm ra trước cửa thì lần lượt các thầy cúng khác kế tiếp nhau vào làm lễ, cứ như vậy sau 2 tiếng đồng hồ thì lễ vật được mang xuống dọn ra mâm cho con cháu cùng ăn.
Trong lễ cúng tổ tiên, người Dao không dùng hương để đốt mà dùng một thứ vỏ cây mỏng rất thơm mua về bỏ vào một cái chén nhỏ. Mỗi lần đốt một cái vỏ cây lại phải dùng một viên than hồng để đốt cùng, cho đến khi nào cái chén đầy than và vỏ hương mới thôi.
Mâm cơm Tết năm cùng cũng rất đặc biệt. Thầy cúng và các vị chức sắc trong làng được bố trí ngồi cao nhất và được phép ăn trước, sau đó lần lượt đến khách mời của bố mẹ, con cái và anh em nội ngoại.
“Mỗi dịp cuối năm ai đi xa cũng vậy, rất nhớ những lễ tết năm cùng. Tục lệ đã ăn sâu vào mỗi thế hệ con người nơi đây rồi cứ đến ngày này ai cũng thấy phấn khởi nô nức để về dự tết với gia đình”, anh Phùng Văn Tuấn chia sẻ.
Theo tục của người Dao thì tất cả thức ăn đều phải để trên lá chuối tươi, cho dù nhà có điều kiện bao nhiêu đi nữa thĩ cũng phải làm như vậy. Trong mâm cơm Tết năm cùng này, thứ nước luộc từ thịt lợn là ngon nhất mà bất kỳ một khách mời nào đến cho dù có khó tính mấy cũng không thể chê được. Nước chấm cũng làm từ nước luộc thịt nhưng lại cho hành sống làm gia vị vì quan điểm trong mâm cỗ có gì thì chế biến từ thứ đó ra để dùng, vừa lành lại vừa ngon.
Trước khi dùng bữa, mọi người cùng nâng chén, trưởng họ phải đi một vòng mời rượu để báo cáo với bà con họ hàng về bữa cơm Tết năm cùng này để mọi người cùng phấn đấu hơn trong năm sau.
Chia tay gia đình ông Thái, chia tay với không khí Tết năm cùng của đồng bào người Dao, không khí của một mùa xuân mới đang tràn ngập khắp các bản làng nơi đây. Chúc cho tất cả bà con nơi đây đón một năm mới hạnh phúc, ấm no hơn và quan trọng nhất là những nét đẹp văn hoá mang đầy bản sắc dân tộc của người Dao được gìn giữ và bảo tồn.
(Theo Dân trí)