Công trình sau khi hoàn thành đã bỏ hoang bởi sự bất hợp lý về mặt
quy hoạch. Vấn đề khiến dư luận bức xúc hiện nay, đó là quả bóng trách
nhiệm bị đùn đẩy từ cấp xã lên huyện và ngược lại.
Công trình sau khi hoàn thành đã bỏ hoang bởi sự bất hợp lý về mặt quy hoạch. Vấn đề khiến dư luận bức xúc hiện nay, đó là quả bóng trách nhiệm bị đùn đẩy từ cấp xã lên huyện và ngược lại.
Từ nguồn vốn của Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã bãi ngang ven biển (Chương trình 257), năm 2008, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương được đầu tư 1,8 tỉ đồng xây dựng ngôi chợ phục vụ cho việc giao thương trong nhân dân.
Xây chợ cho bò ở
Quảng Thạch là xã nằm trong vùng bãi ngang đặc biệt khó khăn của huyện Quảng Xương. Chính vì vậy nên địa phương này mới được thụ hưởng nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 157 của Chính phủ. Đáng nhẽ, khi có sự hỗ trợ đó, cấp chính quyền từ xã lên huyện cần bàn bạc và đi đến quyết định đúng đắn trong việc đầu tư công trình gì cho hiệu quả, tận dụng tối đa sự ưu đãi của Nhà nước, nhưng có khoản tiền lên tới 1,8 tỉ đồng, họ lại mang ra xây chợ để rồi bỏ hoang.
Khu chợ xây dựng trên diện tích 4.000m2, bên con đường trải nhựa phẳng phiu dẫn vào UBND xã, ấy vậy mà nhân dân vẫn không chịu vào họp để rồi cửa đóng then cài suốt mấy năm qua. Bên trong, 2 dãy kiốt ngổn ngang phân trâu, bò, khuôn viên cỏ dại mọc um tùm, các hạng mục của ngôi chợ đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp.
Một người dân nói: “1,8 tỉ đồng là khoản tiền không nhỏ đối với xã nghèo Quảng Thạch, nhưng vì sự tính toán không khả thi của nhà chức trách đã khiến cả đống tiền bị phơi mưa, nắng... Nếu bằng khoản tiền đó hỗ trợ làm nhà cho người nghèo trong xã thì đã có nhiều hộ gia đình thoát cảnh khốn khổ mỗi khi mùa mưa bão về. Bây giờ chợ trở thành bãi chăn thả trâu bò, thảm hại quá”.
Nói cho đúng thì ngôi chợ này cũng vật vờ hoạt động được 3 tháng - tính từ ngày khánh thành vào đầu năm 2010. Sau đó, tiểu thương, nhân dân bỏ không họp, UBND xã Quảng Thạch ép cũng không được. Nguyên nhân do việc quy hoạch chợ bất hợp lý vì các xã lân cận như: Quảng Nham, Quảng Lợi, Quảng Chính... đều có chợ.
Hơn thế, chợ Quảng Thạch lại nằm ở khu vực thưa thớt cư dân sinh sống. Để cứu vãn tình thế, UBND xã Quảng Thạch cho Cty Khoát Long hợp đồng trong 6 tháng nhằm kêu gọi các tiểu thương buôn bán quay lại chợ. Thuê xong, Cty Khoát Long lại chuyển đổi mục đích sử dụng đặt các máy may gia công quần áo. Sau đó, UBND huyện Quảng Xương phát hiện nên cấm, Cty này trả lại chợ rồi bỏ hoang đến tận hôm nay.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Nhân - Trưởng phòng Công Thương huyện Quảng Xương - vẫn khẳng định việc đầu tư xây dựng chợ ở Quảng Thạch là chính đáng! Tuy nhiên, ông Nhân cũng thừa nhận do vị trí chưa phù hợp, người dân lại quen buôn bán dọc đường, cộng với việc vận động tuyên truyền của lãnh đạo xã còn kém mới xảy ra tình trạng chợ bỏ hoang.
Ông Nguyễn Đức Tại - Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thạch - cho biết: Bản chất của việc xây chợ Quảng Thạch - là do UBND huyện muốn thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, ý tưởng của huyện còn muốn tạo thành một chuỗi liên kết kinh tế nối liền với Khu kinh tế Nghi Sơn.
Vấn đề trách nhiệm trong việc quyết định đầu tư xây dựng chợ Quảng Thạch thuộc về ai? Xã đổ lỗi cho huyện, còn huyện đẩy về cấp xã. Ông Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thạch nói khi đưa vào hoạt động, chính quyền địa phương không thu bất kỳ khoản gì của tiểu thương. Nhưng ông Nguyễn Thanh Nhân - Trưởng phòng Công Thương huyện Quảng Xương - lại nói khác: “Đấy là do cách làm của địa phương. Khi chưa kêu gọi được người vào buôn bán, đã chăm chăm thu các khoản thuế thì ai họp!”.
Ở đây, người quyết định đầu tư vào công trình gì để mang lại hiệu quả thiết thực là UBND huyện Quảng Xương và Phòng Công Thương là đơn vị tham mưu. Do đó, chính UBND huyện Quảng Xương cũng phải kiểm điểm lại trách nhiệm của mình trong việc xây chợ Quảng Thạch.
(Theo Lao Động)