Thành phố trực thuộc tỉnh hay thành phố trực thuộc thành phố là những thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về các thuật ngữ này.
Những vấn đề liên quan tới khái niệm thành phố trực thuộc tỉnh sẽ được làm rõ trong bài viết dưới đây.
1. Thành phố trực thuộc tỉnh là gì?
Theo Khoản 1, Điều 110, Hiến pháp năm 2013:
"1. Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau:
Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương;
Huyện chia thành xã, thị trấn, thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường.
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập".
Mặt khác, Điều 2, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có quy định:
"Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:
1. Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);
2. Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);
3. Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã);
4. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt."
Như vậy, thành phố trực thuộc tỉnh là đơn vị hành chính cấp hai tại Việt Nam, tương đương với huyện, quận, thị xã và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp huyện).
Khác với các huyện, quận, thị xã thuộc tỉnh thì thành phố thuộc tỉnh thường lớn hơn và có vị thế quan trọng hơn. Nghị định số 15/2007/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ:
"Thành phố thuộc tỉnh có vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội hoặc là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông của tỉnh và giao lưu trong nước, quốc tế; có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội liên huyện, liên tỉnh và vùng lãnh thổ.
Xét về loại hình, thành phố thuộc tỉnh là một đô thị và dân cư ở dó được xếp là dân thành thị. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có thể còn một phần dân sống bằng nông nghiệp tại các xã ngoại thành.
Một thành phố thuộc tỉnh gồm nhiều phường (phần nội thành) và xã (phần ngoại thành). Số liệu thống kê tính đến tháng 09/2021, Việt Nam hiện có có 7 thành phố thuộc tỉnh chỉ có phường trực thuộc mà không còn xã nào trực thuộc. Đó là các thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh, Đông Hà, Dĩ An, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Thủ Dầu Một.
|
Một góc TP. Bắc Ninh, thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Dân trí |
2. Điều kiện thành lập thành phố trực thuộc tỉnh là gì?
Theo Điều 3, Nghị định 62/2011/NĐ-CP, điều kiện thành lập thành phố trực thuộc tỉnh được quy định như sau:
- Thứ nhất, đáp ứng nhu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước theo lãnh thổ.
- Thứ hai, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị cả nước; có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Thứ ba, đạt tiêu chuẩn đô thị tương ứng quy định tại Nghị định này.
3. Để thành lập thành phố thuộc tỉnh cần đáp ứng những tiêu chuẩn nào?
Theo Điều 5, mục 2, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2016 quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương được thành lập khi đạt các tiêu chuẩn sau:
-
Dân số, quy mô từ 150.000 người trở lên
-
Diện tích tự nhiên, quy mô từ 150km2 trở lên
-
Đơn vị hành chính trực thuộc: Số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc có từ 10 đơn vị trở lên; tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 65% trở lên.
-
Đã được công nhận là đô thị loại I hoặc loại II hoặc loại III; hoặc khu vực dự kiến thành lập thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại I hoặc loại II hoặc loại III.
-
Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
Cùng với đó, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành đạt từ 80% trở lên so với tổng số lao động; tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cùng cấp trực thuộc đạt từ hai phần ba trở lên; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ - du lịch trong cơ cấu kinh tế đạt từ 80% trở lên...
Để được thành lập thành phố thuộc tỉnh, chức năng đô thị của thành phố cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn đô thị tỉnh lỵ trung tâm tổng hợp cấp tỉnh, là đầu mối giao lưu, giao thông trong tỉnh hoặc đô thị thuộc tỉnh, trung tâm chuyên ngành của vùng liên tỉnh, đầu mối giao thông, giao lưu của vùng liên tỉnh.
Ngoài ra, đơn vị hành chính đó phải có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của một vùng trong tỉnh, một tỉnh hoặc một số lĩnh vực đối với vùng liên tỉnh.
|
Một góc TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Halongcity |
4. Tiêu chuẩn phân loại, cách tính điểm phân loại đơn vị hành chính thành phố thuộc tỉnh
Quy mô dân số
-
Từ 50.000 người trở xuống được tính 10 điểm;
-
Trên 50.000 người thì cứ thêm 4.000 người được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 30 điểm.
Diện tích tự nhiên
-
Từ 50km2 trở xuống được tính 10 điểm;
-
Trên 50 km2 thì cứ thêm 05 km2 được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 25 điểm.
Số đơn vị hành chính trực thuộc
-
Có từ 10 đơn vị hành chính cấp xã trở xuống được tính 2 điểm;
-
Trên 10 đơn vị hành chính cấp xã thì cứ thêm 01 đơn vị hành chính được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 6 điểm;
-
Có tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 35% trở xuống được tính 1 điểm;
-
Trên 35% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 4 điểm.
Trình độ phát triển kinh tế - xã hội
- Tự cân đối được thu, chi ngân sách địa phương được tính 10 điểm.
Đối với trường hợp chưa tự cân đối được thu, chi ngân sách địa phương, nếu có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% trở xuống được tính 3 điểm; trên 50% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 8 điểm;
- Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế từ 70% trở xuống được tính 1 điểm; trên 70% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 4 điểm;
-
Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp từ 60% trở xuống được tính 1 điểm; trên 60% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 4 điểm;
-
Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 55% trở xuống được tính 1 điểm; trên 55% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 3 điểm;
-
Tỷ lệ số đơn vị hành chính cấp xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế từ 60% trở xuống được tính 1 điểm; trên 60% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 3 điểm;
-
Tỷ lệ số hộ dân cư được dùng nước sạch từ 60% trở xuống được tính 1 điểm; trên 60% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 3 điểm;
-
Tỷ lệ hộ nghèo từ 4% trở lên được tính 1 điểm; dưới 4% thì cứ giảm 0,5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 3 điểm.
Các yếu tố đặc thù
-
Dân số tạm trú quy đổi từ 10% đến 20% so với dân số thường trú được tính 1 điểm;
-
Trên 20% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm;
-
Thành phố thuộc tỉnh vùng cao được tính 1 điểm; thành phố thuộc tỉnh miền núi được tính 0,5 điểm;
-
Có từ 10% đến 20% đơn vị hành chính cấp xã có đường biên giới quốc gia trên đất liền được tính 0,5 điểm; trên 20% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhung tối đa không quá 1 điểm;
-
Có từ 20% đến 30% dân số là người dân tộc thiểu số được tính 0,5 điểm; trên 30% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 1 điểm.
5. Các thành phố trực thuộc tỉnh tại Việt Nam
Theo số liệu thống kê, tính tháng 09/2021, Việt Nam có 80 thành phố thuộc tỉnh. Trong đó, 58 thành phố là tỉnh lỵ; 22 thành phố không phải là tỉnh lỵ.
-
1 tỉnh có 4 thành phố trực thuộc là Quảng Ninh, các thành phố trực thuộc gồm Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả.
-
3 tỉnh có 3 thành phố trực thuộc:
- Kiên Giang: TP. Phú Quốc, TP. Hà Tiên, TP. Rạch Giá.
- Đồng Tháp: TP. Sa Đéc, TP. Cao Lãnh, TP. Hồng Ngự.
- Bình Dương: TP. Thuận An, TP. Dĩ An, TP. Thủ Dầu Một.
- 13 tỉnh có 2 thành phố trực thuộc:
- Bắc Ninh: Từ Sơn, Bắc Ninh.
- Hải Dương: Chí Linh, Hải Dương.
- Vĩnh Phúc: Phúc Yên, Vĩnh Yên.
- Ninh Bình: Tam Điệp, Ninh Bình.
- Thái Nguyên: Sông Công, Thái Nguyên
- Thanh Hóa: Sầm Sơn, Thanh Hóa.
- Quảng Nam: Hội An, Tam Kỳ.
- Khánh Hòa: Cam Ranh, Nha Trang.
- Lâm Đồng: Bảo Lộc, Đà Lạt.
- Đồng Nai: Long Khánh, Biên Hòa.
- Bà Rịa - Vũng Tàu: Vũng Tàu, Bà Rịa.
- Hậu Giang: Ngã Bảy, Vị Thanh.
- An Giang: Châu Đốc, Long Xuyên.
- 41 tỉnh còn lại có 1 thành phố trực thuộc.
Với những thông tin mà Dothi.net chia sẻ trên đây về thành phố trực thuộc tỉnh, bạn đọc đã nắm được thế nào là thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố cũng như các tiêu chuẩn, điều kiện để thành lập loại đơn vị hành chính này.
Lam Giang (TH)
>> Hà Nội dự kiến đưa Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố
>> Thành lập TP. Thủ Đức và TP. Phú Quốc từ ngày 1/1/2021